Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hạnh phúc khi thấy cuộc đời những trẻ em thiệt thòi được đổi thay

LĐXH
LĐXH

(VTE) - “Vượt qua giới hạn của chính mình và thử sức với mọi thứ để có thể sống hết mình với đam mê nghề viết báo” - đó là kim chỉ nam giúp tôi dũng cảm bứt phá từ một nhân viên kỹ thuật vươn lên thành nhà báo.

Nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề báo, tôi phải lùng sục các hiệu sách cũ để tìm mua những cuốn báo nước ngoài để biên dịch từ tiếng Anh, cộng tác viết bài cho độc giả thiếu nhi của báo Thiếu niên Tiền phong. 

Đầu những năm 2000, khi Việt Nam bắt đầu kết nối với Internet, tôi có thêm điều kiện tìm kiếm thông tin, dịch nhiều bài viết cho các báo. Nhờ vậy giúp tôi rèn luyện được nhiều kỹ năng cũng như tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, cách viết đi sâu vào vấn đề của báo quốc tế, hữu ích cho hành trang nghề báo. 

Doan thien nguyen va TE Bac Giang.jpg
Phóng viên Hồng Nga (bìa phải) cùng đoàn từ thiện báo Dân trí tặng quà Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Phạm Tuấn).

Bước ngoặt của cuộc đời là khi tôi được nhận vào Tạp chí Gia đình và Trẻ em (nay là ấn phẩm Vì trẻ em của báo Dân trí) - ngôi nhà chung đoàn kết, yêu thương và giúp nhau cùng tiến bộ, phát triển. Đặc biệt là mối duyên viết về trẻ em tiếp tục đến với tôi khi làm việc tại Ban Vì trẻ em và chuyên đề, cho tôi được thỏa sức làm những gì mình đam mê, tâm huyết. 

Tuy nhiên, lúc đầu tôi khó tránh khỏi lo lắng mỗi khi tìm đề tài, tư duy cách triển khai bài viết thế nào cho mềm mại, mới mẻ, lôi cuốn bạn đọc. Một thời gian sau, tôi thấy lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em có vô số đề tài hay và thú vị. Trong đó tôi có dịp phỏng vấn nhiều tấm gương hết lòng vì trẻ em. 

Đó là chị Giáp Thị Sông Hương suốt 35 năm qua, vượt mọi gian khó nhận về nuôi dưỡng hàng trăm trẻ bị bỏ rơi. Người phụ nữ kiên cường, giàu lòng nhân ái ấy đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, tạo nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống. 

Đó là nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường nhận nuôi 10 trẻ mồ côi. Anh muốn xây dựng một mái ấm có thể nuôi dưỡng khoảng 100 bé mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Để từ đó, các bé có điều kiện tốt nhất về học hành, giáo dục, có tương lai tốt hơn.

Anh chia sẻ: “Tôi mong xã hội này không có người phụ nữ nào phải phá thai, không có trẻ em phải bất hạnh, chịu cảnh mồ côi cha mẹ, nhiều đứa trẻ được giúp đỡ có tương lai tốt hơn. Những đứa trẻ cần được bảo vệ, yêu thương và chăm sóc”.

Đó là chị Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Truyền thông Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng. Sự lạc quan không chỉ giúp chị vượt qua căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mà còn tiếp sức cho rất nhiều trẻ em thiệt thòi, trẻ em mồ côi có cha mẹ nhiễm HIV vươn lên thay đổi cuộc đời. 

Làm việc tại Ban Vì trẻ em và Chuyên đề, cánh phóng viên chúng tôi càng có dịp đến những cơ sở bảo trợ xã hội để viết bài, và kêu gọi từ thiện giúp đỡ các em nhỏ khó khăn.

Mới đây, trong hành trình “Tặng báo chí - trao nhau tri thức, phát triển dân trí”, đến với Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang, đoàn thiện nguyện báo Dân trí rất xúc động trước những mảnh đời khó khăn của các em khuyết tật, và trao tặng những phần quà thiết thực. 

Nhìn lại chặng đường viết về trẻ em, tôi thấy mình được nhiều thứ, cuộc sống tươi trẻ, an nhiên, yêu đời, cảm thông, và mong muốn dùng ngòi bút của mình lan tỏa nhiều điều tốt đẹp cho trẻ em để cuộc sống nhân văn, ý nghĩa hơn.

Và khi chứng kiến các em nhỏ thiệt thòi được tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ, tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Đây là niềm hạnh phúc, là tài sản vô giá trong cuộc đời làm báo của tôi. 

Tôi biết ơn những tháng năm làm báo, trẻ em đã giúp tôi tìm ra niềm đam mê thực sự của mình và nhờ thế, cuộc sống của tôi thêm phần trọn vẹn.

Hồng Nga

Ấn phẩm Vì trẻ em số 11