Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hành trang giúp trẻ tự tin khi vào lớp 1

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo các chuyên gia giáo dục, khi chuyển từ mầm non sang tiểu học là bước ngoặt lớn đối với trẻ. Do đó, cùng với chuẩn bị tâm lý thì việc trang bị các kỹ năng, như cho con làm quen với ngôi trường mới, hướng dẫn con tư thế ngồi sao cho đúng, cách cầm bút, kỹ năng lắng nghe và tự phục vụ cá nhân… là hành trang quan trọng để trẻ bước vào lớp 1.

Không chỉ riêng Hà Nội mà hầu hết phụ huynh có con sắp vào lớp 1 thường không yên tâm nếu con không đọc thông, viết thạo, nên nhiều cha mẹ cho con học lớp "tiền tiểu học".

Chị Thu Hải (phố Hàng Bún, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) quyết định cho con học lớp “tiền tiểu học” gần nhà với mức học phí 200 nghìn đồng/buổi.

“Trước khi cho con đi học, tôi đã tham khảo ý kiến nhiều phụ huynh và được biết, nếu con không học trước, khi vào lớp 1 sẽ bỡ ngỡ, không theo kịp các bạn dễ nảy sinh áp lực hoặc tâm lý chán nản, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập sau này”, chị Hải chia sẻ.

hsth.jpg
Phụ huynh không nên cho con học lớp “tiền tiểu học”.

Thay vì cho con học trước lớp 1 ở trung tâm, chị Lưu Ly (TP Yên Bái) đã thuê gia sư có kinh nghiệm về dạy con 3 buổi/tuần, cùng đó chị mua sách luyện chữ tiếng việt, toán về dạy con.

Chị Ly chia sẻ: “Rút kinh nghiệm đứa đầu không cho học trước, vào lớp 1 con rất sợ khi thấy các bạn giỏi hơn mình. Nên đứa thứ hai chuẩn bị vào lớp 1, tôi đã quyết định cho con đi học lớp tiền tiểu học”.

Chia sẻ về việc cho con học trước khi vào lớp 1, chị Thu Loan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm 2021, con gái chị chuẩn bị vào lớp 1, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát nên con chị không được đi học trước.

Tuy nhiên, khi vào lớp 1, con rất thích học và hiểu bài cô giáo giảng nên về nhà con hăng hái làm bài tập cô giao nên phần nào chị yên tâm.

“Trước đó, nghe phụ huynh có con đã học lớp 1 nói nếu không cho học trước thì con sẽ không theo được. Giờ tôi thấy việc học “tiền tiểu học” gần như không cần thiết”, chị Loan nói.

TS Lê Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng nghiên cứu Giáo dục học, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, trẻ không cần và không nên biết đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1. 

Theo bà Quỳnh Nga, tâm lý chung của nhiều cha mẹ lo lắng con không theo kịp các bạn nếu không đi học trước. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết rằng, ở bậc mầm non, các con đã được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp đủ để tiếp nối bậc học tiếp theo.

Thay vì cho trẻ học trước chương trình, phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện với con về những thay đổi và niềm vui khi học lớp 1. Tuyệt đối không mang các hình phạt hoặc thầy cô giáo ra dọa nạt trẻ khiến trẻ hình thành tâm lý sợ trường lớp.

Cùng với đó, phụ huynh cần dạy con kỹ năng: Tự đi vệ sinh, mặc quần áo, sắp xếp sách vở vào ba lô, cất sách vở đúng ngăn, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập trước khi ra về… Các kỹ năng giao tiếp như: Trò chuyện với các bạn, thầy cô và mọi người xung quanh; ứng xử phù hợp với mối quan hệ thầy cô, bạn bè, bố mẹ, anh chị em.

Theo các chuyên gia giáo dục, chuyển từ mầm non sang tiểu học là bước ngoặt lớn đối với trẻ. Do đó, cùng với chuẩn bị tâm lý thì việc trang bị cho con kỹ năng sống là hết sức cần thiết.

Phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý cho trẻ làm quen với ngôi trường mới, hướng dẫn con tư thế ngồi sao cho đúng, cách cầm bút, kỹ năng lắng nghe và tự phục vụ cá nhân… là hành trang cần thiết và quan trọng để trẻ bước vào lớp 1.

Việc nôn nóng đưa con đi học sớm là phụ huynh đang “cắt ngắn” tuổi thơ được vui chơi của con, làm khó cho giáo viên tiểu học và gây khủng hoảng, lo âu cho trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và nhận thức của trẻ.

Hòa Cù

Báo Lao động Xã hội số 59