Đây cũng là nền tảng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp cho học sinh.
Những di tích lịch sử văn hóa, những địa điểm gắn với sự kiện lịch sử cách mạng… trên cả nước không chỉ là minh chứng về truyền thống cách mạng hào hùng, lòng yêu nước của dân tộc mà còn là những “địa chỉ đỏ” bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, thôi thúc các em không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện.

Hành trình về “địa chỉ đỏ”
Trong kháng chiến chống Pháp, xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là khu du kích nổi tiếng kiên cường. Hiện, xã có Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Lạc Trung, là một “địa chỉ đỏ” thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, học tập. Tại đây, ngày 25/1/1961, Bác Hồ đã về thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lạc Trung, đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào trồng cây, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn miền Bắc. Sau khi Bác về thăm, thôn Lạc Trung đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích có nhà lưu niệm, thư viện, ao cá, vườn cây ăn quả mang tên Bác và đặc biệt có cây đa hàng trăm năm tuổi - nơi Bác ngồi trò chuyện với Nhân dân, dưới gốc cây có dựng bia đá ghi sự kiện Bác Hồ về thăm Lạc Trung. Năm 1995, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Chúng, người trực tiếp được gặp Bác Hồ năm 1961, nay được giao trông coi khu di tích cho biết: “Mỗi năm, Khu di tích đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Trong đó, nhiều đoàn là học sinh, sinh viên các trường học trong và ngoài tỉnh”.
Em Trần Ngọc Diệp (Trường Tiểu học Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Em đã đến thăm Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần, nhưng mỗi lần đều có những cảm xúc khác nhau. Càng được đi nhiều, được hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, em càng tự hào hơn và sẽ cố gắng học tập, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”.
Vinh dự và tự hào khi được kết nạp đội tại “địa chỉ đỏ”
Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động cho thanh thiếu nhi, tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp trong tỉnh Gia Lai triển khai nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, hành trình đến với các “địa chỉ đỏ”.

Mới đây, Liên đội Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP Pleiku) tổ chức hành trình đến với “địa chỉ đỏ” tại xã Gào và tổ chức lễ kết nạp đội viên. Sau khi thành kính dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Gào, các em được nghe những câu chuyện cảm động về tinh thần cách mạng kiên trung, sự anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của các bậc cha ông đi trước.
Lễ kết nạp đội viên mới diễn ra trang trọng với các nội dung: chào cờ, hát Quốc ca, Đội ca, báo cáo quá trình rèn luyện phấn đấu, nghi thức đeo khăn quàng đỏ…
Là 1 trong số các đội viên mới được kết nạp, em Nguyễn Khánh Thy (Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa) bày tỏ: “Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được kết nạp đội viên tại “địa chỉ đỏ”. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành người đội viên tốt, con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Giúp học sinh sống có nhân cách, lối sống đẹp
Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thanh thiếu niên, học sinh luôn được các cấp bộ Đoàn tỉnh Long An đặc biệt quan tâm và xây dựng nhiều phương án phối hợp, thực hiện. Hằng năm, Đoàn Thanh niên các cấp của huyện Châu Thành tổ chức giáo dục lòng yêu nước cho học sinh thông qua các hoạt động: Sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt Đội, chuyến đi về nguồn, tham quan các khu di tích lịch sử, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên gặp gỡ các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Giáo dục truyền thống thông qua các “địa chỉ đỏ” là những di tích lịch sử cách mạng giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về lịch sử, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, học sinh sẽ có lối sống đẹp, hoài bão, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ Tổ quốc.
Em Trần Thanh Mai (Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Chúng em không chỉ được thầy cô truyền đạt kiến thức lịch sử mà còn được đi thực tế tìm hiểu các khu di tích. Em tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc. Vì vậy, em thấy mình phải cố gắng học thật giỏi, trở thành người có ích, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Tại huyện Châu Thành, qua các hoạt động giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong đội viên, học sinh. Nhiều em học sinh các trường tiểu học, THCS nhặt của rơi đã trả lại cho người bị mất. Các em còn tự nguyện giúp bạn cùng tiến trong học tập, góp quỹ giúp bạn khó khăn và biết tự giác phụ giúp cha mẹ việc nhà...
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và các hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đã và đang tạo những động lực tích cực; góp phần định hướng tư tưởng, thắp sáng niềm tin và “truyền lửa” cho các em; xây dựng thế hệ trẻ có lối sống đẹp, biết sống vì mọi người.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 15