Những biểu hiện đang kiểm soát con thái quá
Không khó để nhận diện những bậc cha mẹ thích kiểm soát con. Họ là những người thích đưa ra mọi quyết định trong các vấn đề liên quan đến trẻ. Điều này vô tình tước đi quyền được khám phá, trải nghiệm của trẻ, khiến trẻ mất đi cơ hội được thể hiện và khẳng định bản thân.
Một số phụ huynh kiểm soát hoạt động hàng ngày của con rất chặt như thường xuyên kiểm tra điện thoại, máy tính và theo sát mọi lịch trình luôn muốn biết con đi đâu, làm gì, với ai, khi nào… Lý do là muốn con được an toàn, nhưng cách làm của họ lại khiến đứa trẻ cảm thấy không được tôn trọng.
Nam Thành 16 tuổi, đang học lớp 11 nhưng trong mắt bố, em vẫn chỉ là một đứa con nít lên 6. Ngoài lịch học ở trường, tất cả các hoạt động khác như học thêm, đá bóng, sinh nhật bạn, đi gặp mẹ (bố mẹ Thành ly hôn khi cậu mới 5 tuổi)…, bố đều muốn kiểm soát Thành.
Không chỉ dừng ở đó, một lần vô tình nhìn thấy Thành chở bạn gái phía sau, bố cậu đã tịch thu luôn xe đạp, không cho con tự đạp xe đến trường nữa. Dù công việc vô cùng bận rộn nhưng bố Thành vẫn muốn đích thân đưa con đến trường.
Sự kiểm soát thái quá của bố khiến Thành ngộp thở, cảm thấy mất tự do và không được tin tưởng.
Khác với Thành, Phương (12 tuổi) lại bị bố mẹ kiểm soát theo một cách khác. Bố mẹ Phương không tin tưởng để con tự làm bất cứ việc gì. Họ luôn lo lắng con không được an toàn nếu rời xa vòng tay mình.
Cha mẹ bao bọc và kiểm soát thái quá, Phương rất yếu và thiếu các kỹ năng sống, khó hòa nhập với các bạn. Dù nhà cách trường chưa đến một cây số, nhưng ngày nào cha mẹ cũng thay nhau đưa đón Phương.
Cô bé đề nghị được đi bộ hoặc đạp xe cùng các bạn, nhưng bố mẹ không đồng ý vì sợ con ngã hoặc bị bắt nạt… Phương cũng chưa bao giờ được đi ngoại khóa cùng các bạn, vì cha mẹ Phương lo để con đi cùng lớp sẽ không an toàn.
Họ lo con có thể bị lạc đoàn, bị chấn thương khi tham gia các hoạt động nhóm, bị đuối nước khi tới các khu vực có ao, hồ…
Hệ lụy khi cha mẹ kiểm soát con
Brightside (một trang web uy tín trên thế giới với nhiều bài viết về phân tích hành vi và cảm xúc, cách nuôi dạy con hiệu quả…) cho biết, khi cha mẹ kiểm soát con thái quá sẽ khiến cho trẻ cảm thấy ngột ngạt, mất tự do.
Các chuyên gia tâm lý của Brightside phân tích, trên lý thuyết, hành vi kiểm soát của cha mẹ nhằm giúp trẻ phát triển đúng hướng, tránh phạm sai lầm và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Nhưng nếu sự kiểm soát vượt quá giới hạn sẽ tạo thành áp lực vô hình đối với trẻ. Xâm hại quyền riêng tư, khiến trẻ mất đi sự độc lập, dễ bị lệ thuộc và làm trầm trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Kiểm soát thái quá cũng có thể khiến cho trẻ nảy sinh các hành vi chống đối. Con không muốn mở lòng và bày tỏ quan điểm với cha mẹ nữa. Về lâu dài, phụ huynh không nắm bắt được tâm lý con trẻ, việc chống đối, cãi lại sẽ ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là hệ lụy nghiêm trọng nhất. Tác động tiêu cực nhất khi cha mẹ kiểm soát con thái quá là khiến trẻ tự ti, lo lắng, thậm chí là trầm cảm. Đặc biệt, kiểm soát quá mức có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ, thói quen và lối sống không tốt khi trẻ trưởng thành.
Sự kìm kẹp quá mức cũng khiến cho trẻ không được trải nghiệm cuộc sống, thiếu kiến thức thực tế. Tại sao, bạn không để con thử phạm sai lầm (trong phạm vi cho phép và không quá nghiêm trọng) và học cách sửa sai. Đây là cách tốt nhất giúp trẻ rút ra bài học kinh nghiệm và tôi luyện các kỹ năng sống để phát triển bản thân.
Không chỉ có vậy, sự ngờ vực và thiếu lòng tin của phụ huynh cũng khiến cho nhiều trẻ em ngày càng xa cách cha mẹ. Trẻ không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, chúng cảm thấy thất vọng khi cha mẹ thiếu tin tưởng mình, dễ trở nên lầm lì, ít nói, hạn chế chia sẻ, giao tiếp với mọi người.
Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con
Để những hệ lụy xấu như trên không xảy ra, các bậc cha mẹ nên nhìn lại bản thân xem bấy lâu nay mình đã tin tưởng và cho con cơ hội được phát triển lành mạnh chưa, hay vẫn luôn kiểm soát con quá mức cần thiết.
Đừng cố gắng quyết định thay trẻ, hãy cho trẻ cơ hội được thể hiện chính kiến; tôn trọng và khuyến khích con tham gia vào quá trình đưa ra quyết định về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Trong mọi trường hợp, cha mẹ nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con.
Mặt khác, cha mẹ cũng cần tôn trọng sự riêng tư của con. Cha mẹ cần biết rằng, trẻ em cũng có quyền riêng tư và cần không gian cho sự phát triển cá nhân. Những hành động nhỏ như gõ cửa phòng trước khi vào, hỏi ý kiến khi sử dụng đồ của con, không đọc trộm nhật ký, tin nhắn... sẽ giúp trẻ cảm thấy được cha mẹ yêu thương và tôn trọng, đồng thời thúc đẩy trẻ phát triển sự tự tin, độc lập.
Phương Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 9