Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Kỷ luật tích cực nuôi dạy con thành công

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Kỷ luật tích cực giúp các bậc cha mẹ tăng tính kết nối với con trẻ, nuôi dạy trẻ thành công.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Mạc Thị Thanh Tuyền - Quản lý dự án, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tại Việt Nam.

Xin Bà cho biết kết quả sau 7 năm triển khai chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” (PDEP) tại Việt Nam?

PDEP bắt đầu triển khai từ cuối năm 2018 trong khuôn khổ dự án SIDA-CSO và Dự án Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật (AVAC) do Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện. 

Kỷ luật tích cực nuôi dạy con thành công - 1
Phụ huynh tham gia khóa học “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ" (Ảnh: VTE).

Từ năm 2018 đến nay, không tính gần 3 năm tạm thời không trực tiếp triển khai do ảnh hưởng bởi COVID, chương trình đã triển khai được tới khoảng 3.000 cha mẹ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Hải Phòng, Nghệ An và Đồng Nai. 

Năm 2022, chương trình tiến hành khảo sát 924 cha mẹ đã tham gia PDEP, trong đó 97,1% đã thay đổi suy nghĩ về cách giáo dục con không dùng bạo lực.

Theo bà, đâu là những sai lầm các bậc cha mẹ thường mắc phải trong nuôi dạy con? 

Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ thường có xu hướng “làm giúp con” để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Việc này nếu diễn ra thường xuyên, vô tình khiến trẻ không có cơ hội được học từ những trải nghiệm thực tế, không học được những kỹ năng cần thiết, khiến trẻ giảm khả năng tự ra quyết định và “lười” tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.

Sự can thiệp quá mức của cha mẹ còn khiến trẻ nghi ngờ năng lực bản thân khi gặp thất bại và hạn chế sự sáng tạo. Thay vì làm hộ con, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định và việc này nên được rèn luyện từ khi trẻ còn nhỏ. 

Ngoài ra, thời gian chất lượng dành cho con cũng là chìa khóa để rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sẽ cần cả thời gian, chất lượng và tần suất của sự quan tâm nhiều hơn.

Đối với nhóm trẻ lớn hơn, thời gian chất lượng rất quan trọng, tuy nhiên, tần suất gặp gỡ, trao đổi hay chia sẻ có thể giảm đi theo độ trưởng thành của trẻ. 

Cha mẹ cũng cần dành thời gian cho chính bản thân mình để “nạp” năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Việc dành thời gian cho bản thân sẽ khiến cha mẹ hạnh phúc hơn, cân bằng cuộc sống tốt hơn và lan tỏa năng lượng tích cực cho những người xung quanh. 

Nếu như trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng áp dụng PDEP thì phương pháp này có phát huy tác dụng?

Sẽ là hoàn hảo nếu cả cha và mẹ đều tham gia PDEP. Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 trong 2 người tham gia cũng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thay đổi phương thức nuôi dạy trẻ.

Một trong những minh chứng hiện hữu là khi cha hoặc mẹ tham gia chương trình, vợ hoặc chồng của họ đều nhìn sự thay đổi trong mối quan hệ với con và sẽ tự động điều chỉnh hành động của mình theo cùng.

PDEP khuyến khích sự “làm mẫu” không chỉ dành cho con mà dành cho cả những người xung quanh. PDEP đúng cho tất cả các mối quan hệ giữa con người với con người, thúc đẩy giá trị về sự tôn trọng và bình đẳng giữa các mối quan hệ lẫn nhau. 

Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hướng tới giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực, tuy nhiên, ở một số trường học, thầy cô vẫn giáo dục trẻ bằng các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp này, cha mẹ nên làm gì để có thể dung hòa?

Kỷ luật tích cực trong trường học cũng ngày càng được nhiều trường ủng hộ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn tình trạng bạo lực xảy ra trong môi trường học đường, vì vậy, việc cha mẹ đồng hành với nhà trường trong việc nuôi dạy trẻ là điều rất cần thiết.

Cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con, thường xuyên trao đổi, trò chuyện với thầy cô để có được sự thống nhất và đồng hành trong quá trình học tập và phát triển của trẻ.

Ngoài ra, cần xây dựng năng lực, kỹ năng cần thiết cho trẻ biết cách nói không với bạo lực, nhận diện được các phương thức bạo lực thể chất lẫn tinh thần chia sẻ lại với cha mẹ, thầy cô để được hỗ trợ khi cần.

Việc xây dựng niềm tin cho con và mối quan hệ của con với thầy cô giáo là mấu chốt để giảm thiểu bạo lực cũng như truyền tải được thông điệp không bạo lực. 

Hiện nay, có nhiều câu lạc bộ làm cha mẹ và một số trường mầm non cũng đang triển khai các lớp tập huấn về Kỷ luật tích cực dành cho phụ huynh, đâu là điểm khác biệt của PDEP so với các khóa học này?

Có một điểm chung của nhiều chương trình làm cha mẹ là tập trung vào hành vi của trẻ hoặc của cha mẹ. Thay đổi hành vi của chủ thể để thay đổi hành vi của khách thể.

Tuy nhiên, PDEP không xây dựng dựa trên lý thuyết hành vi, không đưa ra một công thức nào để thay đổi hành vi, mà cung cấp cho các bậc cha mẹ một bộ khung và các kiến thức về sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn để cha mẹ có thể dựa vào đó thay đổi/ điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với trẻ.

PDEP tập trung xây dựng mối quan hệ tổng hòa dựa trên sự phát triển lành mạnh của trẻ qua từng giai đoạn.

Chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” (PDEP) ra đời với nỗ lực nhằm chống lại tất cả các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ tại gia đình, nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó, tôn trọng giữa cha mẹ và con trẻ bằng cách: Cung cấp một phương pháp thay thế hiệu quả cho các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần trong nuôi dạy con;

Tăng sự hiểu biết của cha mẹ về quyền trẻ em theo cách thức không đe doạ; cung cấp các công cụ cụ thể và mang tính xây dựng để giải quyết mâu thuẫn giữa cha con, mẹ con.

Chương trình dành cho cha mẹ có con từ tuổi sơ sinh đến 18 tuổi. Hiện nay, chương trình đã được thực hiện ở trên 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thanh Huyền (thực hiện)

Ấn phẩm Vì trẻ em số 23