Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Làm gì khi con có tính "tắt mắt"?

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều cần được giáo dục nghiêm túc về hậu quả của những việc làm xấu, trong đó có hành vi ăn cắp, lấy đồ của người khác.

Khó xử vì con có tính “tắt mắt”

Làm gì khi con có tính "tắt mắt"? - 1
Muốn dạy con ngoan cha mẹ phải gần gũi, gương mẫu.

Chia sẻ câu chuyện của mình trên một diễn đàn làm cha mẹ, chị Nguyễn Thị Minh (ở Hòa Bình) cho biết, gần đây chị phát hiện cậu con trai 5 tuổi có nhiều “đồ chơi lạ” cất giấu trong phòng. Khi được hỏi ai cho những thứ này thì cậu bé hồn nhiên bảo thấy đồ của bạn đẹp nên mang về chứ không xin phép ai. Nhẹ nhàng hỏi con, chị Minh được biết, mỗi lần sang nhà bạn cùng xóm chơi, thấy cái gì “ưng mắt” là con tìm cách lấy về, lúc là thanh sáp màu, khi thì cái tẩy  hình thú cưng… 

“Không cho vui chơi, giao lưu với các bạn thì sợ con bị ảnh hưởng đến tâm lý, nhưng mỗi lần sang nhà hàng xóm tôi lại lo cháu lấy đồ của bạn mang về. Đã vài lần tôi yêu cầu con mang đồ chơi trả lại cho bạn, thậm chí là áp dụng các hình phạt nhưng cháu vẫn tính nào tật ấy” - chị Minh buồn bã kể.

Cùng tình cảnh như chị Minh, có gia đình còn rơi vào cảnh “tình ngay lý gian” như câu chuyện của chị Mai (ở Hà Nội) khi dẫn con đi siêu thị mua mỹ phẩm. Thấy mẹ và người bán hàng đang bận trao đổi, cô con gái 4 tuổi đã “tranh thủ” nhặt một thỏi son đỏ, thơm nức mùi kẹo trị giá hơn 1 triệu cho vào túi áo.

Đến quầy thanh toán, nhân viên an ninh nhắc khéo chị Mai “đừng lợi dụng trẻ con vào việc xấu” và tế nhị mở đoạn clip do hệ thống camera giám sát ghi lại cho chị xem khiến người mẹ vô cùng ngỡ ngàng và xấu hổ xin lỗi.

Qua trao đổi với một số chuyên gia về tâm lý, giáo dục trên diễn đàn, chị Minh được biết, ở lứa tuổi mẫu giáo, hầu hết trẻ chưa đủ nhận thức về hành vi lấy một vật chưa được cho phép là sai phạm. Trẻ thường có xu hướng lấy những thứ gây cho chúng sự tò mò, kích thích về thị giác, mùi vị… chứ không quan tâm thứ đó có giá trị thế nào về mặt tiền bạc.

Nhiều trẻ khác lại có tính “tắt mắt” vì ghen tị với bạn bè, muốn có được những thứ bạn có mà mình không có. Nhưng dù là vì lý do gì thì việc dạy cho trẻ biết rằng hành vi đó là sai và thúc đẩy chúng không tái phạm là điều cần thiết, bởi ngay cả với trẻ em ở độ tuổi đến trường và nhận thức được “tắt mắt” là việc làm sai trái thì chúng vẫn có thể mắc lỗi do chưa biết tự kiểm soát, muốn bắt chước bạn bè hoặc bị ép buộc.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi thấy con có biểu hiện của tính “tắt mắt”, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để uốn nắn kịp thời. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng roi vọt và các hình thức kỷ luật thân thể khiến trẻ bị tổn thương và có thể tái phát hành vi này ở mức tồi tệ hơn.

Ứng xử thế nào khi con có tính "tắt mắt"?

Làm gì khi con có tính "tắt mắt"? - 2
Tính “tắt mắt” của trẻ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu trẻ học tính xấu này từ chính người lớn trong nhà. Ảnh minh họa

Giải thích về tình huống trẻ có tính “tắt mắt”, TS. Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ vốn sống bản năng hơn người lớn nên mỗi khi thích vật gì, trẻ sẽ có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Điều đó xảy ra gần như ở hầu hết các trẻ. Đó không phải là tính xấu mà chỉ là một sự trải nghiệm.

Tuy nhiên, nếu sự trải nghiệm này được điều chỉnh sớm, đứa trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn nếu không, nó có thể biến thành thói quen hoặc tính cách xấu. Vì vậy, muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ phải rất gương mẫu. Nếu cha mẹ có tính “tắt mắt” thì chắc chắn con trẻ cũng sẽ ảnh hưởng tính cách này, bởi trẻ nhỏ phát triển năng lực cảm nhận từ trong bụng mẹ. 

Theo giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan, có không ít bậc cha mẹ cho con đến nhà người khác chơi, lúc về con cứ đòi cầm cái này, cái kia và vì chiều con đã dung túng cho trẻ cầm những thứ dù rất nhỏ nhặt. Việc này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ là mầm mống của hành vi “tắt mắt” khi trẻ có cơ hội. Nếu không may con đã trót cầm đồ của bạn về nhà, cha mẹ nên động viên con mang trả lại và xin lỗi bạn đàng hoàng.

Sau khi kiên quyết và kiên trì thuyết phục trẻ không lấy đồ ở nhà bạn mang về, cha mẹ cũng không nên đáp ứng bằng cách mua ngay món đồ đó cho trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ nhầm tưởng rằng những thứ trẻ ước muốn đều được thỏa mãn và lần sau trẻ muốn món đồ chơi nào đó chỉ việc lấy của bạn thì cha mẹ phải mua cho mình.

Cũng theo các chuyên gia, tính “tắt mắt” của trẻ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu trẻ học tính xấu này từ chính người lớn trong nhà. Đặc biệt là khi trẻ em bị chính những người trong gia đình lợi dụng vào những việc xấu, vi phạm pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hồ Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều cần được giáo dục nghiêm túc về hậu quả của những việc làm xấu, trong đó có hành vi ăn cắp, lấy đồ của người khác. Nếu không được giáo dục kịp thời, từ hành vi sai trái nhỏ của trẻ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Sau này, trẻ có thể bị đưa vào trại giáo dưỡng trẻ em vị thành niên, thậm chí là vào tù. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp cha mẹ, người thân xúi giục trẻ nhỏ ăn cắp, vận chuyển ma túy… gây hệ quả vô cùng nghiêm trọng về an ninh trật tự và công tác bảo vệ trẻ em.

Quang Hưng

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.
Giáo dục truyền thống qua lễ hội

Giáo dục truyền thống qua lễ hội

(VTE) - Với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội không chỉ là dịp vui chơi mà còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu công...