Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ?

Phóng viên
Phóng viên

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trí tuệ cảm xúc có thể được học hỏi và củng cố thông qua rèn luyện mỗi ngày.

Khả năng thành công trong cuộc đời của một người không chỉ phụ thuộc vào chỉ số thông minh (IQ), mà phần lớn do chỉ số trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient - EQ) quyết định. 

Một nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, trẻ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng chỉ số thông minh. 

Trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp thường thiếu tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp của trẻ trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, khó vượt qua thất bại...

EQ1-8539-1661941848.png
Việc phát triển và nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc có thể giúp con người sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. (Ảnh minh họa) 

Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh, trí tuệ cảm xúc có tác động mạnh mẽ đến sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Người có trí tuệ cảm xúc cao thường có khả năng quản lý stress, tương tác xã hội tốt và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Nhận biết trẻ có chỉ số trí tuệ cảm xúc thấp

Nhiều trẻ bộc lộ các dấu hiệu trí tuệ cảm xúc thấp ngay từ khi còn rất nhỏ. Nếu con bạn có những đặc điểm sau thì rất có thể là do bé có chỉ số cảm xúc thấp.

Dễ mất bình tĩnh: Trẻ muốn một thứ gì đó nhưng không được đáp ứng sẽ ăn vạ hoặc gào thét, khóc lóc để gây sự chú ý. Chơi thua hay làm một việc gì đó không suôn sẻ cũng khiến trẻ tức giận và mất bình tĩnh với người xung quanh.

Chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình: Trẻ có EQ thấp không biết thấu hiểu và đồng cảm với người khác, chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình. 

Không biết lắng nghe người khác: Vì chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân nên trẻ không thích lắng nghe và cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe chia sẻ, tâm sự của người khác.

Hay chê bai: Trẻ hay phàn nàn, chê bai mọi người và mọi thứ. Trẻ chỉ nhìn vào những điểm xấu hoặc điểm yếu của người khác để chê bai, bình phẩm.

Tính cách này nếu không thay đổi dần dà sẽ biến trẻ trở thành một người xấu tính và ích kỷ, thường xuyên ghen ghét và đố kỵ với mọi người.

Chỉ thích được khen: Hầu hết trẻ em đều thích được khen, nhưng trẻ có EQ thấp thì đặc biệt thích được khen nhiều hơn hẳn những trẻ khác. Chúng thích được khen mọi lúc, mọi nơi và tỏ ra khó chịu, tức giận nếu bị ai đó chê bai hoặc chỉ trích.

Hay đổ lỗi: Vì có EQ thấp nên trẻ khó nhận ra sai lầm của mình. Trẻ sẽ trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh các thất bại, hoặc đổ lỗi đó cho người khác.

Bảo thủ: Trẻ có EQ thấp thường bảo thủ và cho rằng mình đúng và luôn tìm mọi cách để bảo vệ quan điểm của mình, bỏ qua các ý kiến của người khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu sau này trẻ trở thành người lãnh đạo.

Không tuân theo kỷ luật: Trẻ có EQ thấp thường thiếu khả năng tự quản lý bản thân, không thích tuân thủ các quy tắc và quy chuẩn xã hội. Những hành động không tuân theo quy tắc này sẽ khiến cho người xung quanh cảm thấy vô cùng khó chịu và đôi khi còn gây hại cho chính bản thân trẻ.

Có xu hướng ái kỷ: Trẻ có EQ thấp có thể mắc chứng ái kỷ, yêu bản thân một cách thái quá. Đây là một bệnh lý tâm thần. 

Các kỹ năng xã hội kém: Vì không biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, lại bảo thủ, ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, không tuân thủ các quy tắc, quy chuẩn của xã hội nên trẻ có EQ thấp rất khó kết bạn và hòa đồng với mọi người.

Trẻ khó vượt qua khó khăn và thất bại và luôn cảm thấy không hài lòng về mọi người, mọi thứ.

cac-cap-do-cua-tri-tue-cam-xuc.jpg
Khả năng thành công trong cuộc đời của một người không chỉ phụ thuộc vào chỉ số thông minh. (Ảnh minh họa)

Bí quyết giúp trẻ tăng chỉ số trí tuệ cảm xúc

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần chú ý để bồi đắp và phát triển trí tuệ cảm xúc cho con.

Dạy trẻ nhận biết cảm xúc; Trẻ cần học cách lắng nghe một cách chủ động; Xây dựng sự đồng cảm, khuyến khích trẻ đặt mình vào vị trí của người khác và xem xét các quan điểm khác nhau. 

Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề; Quản lý cảm xúc; dạy trẻ phát triển kỹ năng xã hội; Tạo môi trường thuận lợi; và trau dồi thái độ lạc quan cho trẻ.

Trong cuốn sách “Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ” (Trí tuệ cảm xúc: Tại sao nó có thể quan trọng hơn cả chỉ số thông minh IQ), nhà tâm lý học nổi tiếng Daniel Goleman đã mô tả trí tuệ cảm xúc không chỉ đơn thuần là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc cá nhân mà còn bao gồm khả năng nhận diện, hiểu và tương tác với cảm xúc của người khác.

Trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng trong việc đạt được thành công cá nhân và chuyên nghiệp, nó có thể đóng vai trò quan trọng hơn cả chỉ số thông minh.

Goleman nhấn mạnh, việc phát triển và nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc có thể giúp con người sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

Minh Thư

 

.

 

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con

(LĐXH) - Cảm xúc tích cực là những trạng thái tâm trạng mang tính tích cực, giúp tăng cường sự hạnh phúc, sự hài lòng và sự thăng hoa trong cuộc sống.