Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010), lên 19% (năm 2020).
Trước đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP HCM đã vượt 50%, còn tại Hà Nội vượt 41%.
Nhìn chung, ít vận động và chế độ dinh dưỡng không hợp lý được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em. Tranh thủ thời gian trẻ được nghỉ hè, cha mẹ có thể giúp con giảm cân lành mạnh và cải thiện vóc dáng thông qua 3 giải pháp chính: chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và tập luyện thường xuyên.

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Giảm cân lành mạnh cho trẻ béo phì không phải là bắt trẻ nhịn ăn, loại trừ hoàn toàn tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn hay sử dụng các thực phẩm chức năng giảm cân, mà là cho trẻ ăn đủ chất và khoa học.
Với trẻ thừa cân, béo phì, cha mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn để giúp trẻ giảm cảm giác đói, dễ thực hiện các nguyên tắc ăn uống khoa học hơn. Bạn có thể xây dựng thực đơn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày cho trẻ, hạn chế ăn sau 7h tối.
Trẻ béo phì nên ăn ít năng lượng hơn trước. Để làm được điều này, cha mẹ có thể cho trẻ uống một cốc nước trước bữa ăn, ăn một bát canh, một chút rau luộc hoặc 1 quả dưa chuột… để tạo cảm giác no, nhằm giảm lượng thức ăn dung nạp.
Trẻ không nên ăn no quá, chỉ ăn khoảng 70% - 80% nhu cầu của bản thân. Trẻ cần tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ như: gạo lứt, khoai lang, rau xanh các loại, trái cây tươi ít ngọt (dưa chuột, củ đậu, bưởi, đu đủ, cam, quýt…) để vừa giảm cung cấp năng lượng, vừa bổ sung thêm vitamin, khoáng chất.
Cha mẹ có thể giúp trẻ giảm tối đa chất bột đường (giảm chứ không phải cắt bỏ hoàn toàn), hạn chế dung nạp những thức ăn giàu năng lượng như: cơm, mì, dầu, mỡ, bơ, bánh ngọt, kẹo, chè ngọt, sô-cô-la… và không cho trẻ ăn đường, uống nước ngọt, đồ uống có ga.
Bạn cũng có thể giảm tối đa chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ bằng cách cho con ăn các loại thịt nạc (bỏ da); Hạn chế cho trẻ ăn các loại nội tạng động vật, lòng đỏ trứng… vì những thức ăn này chứa nhiều chất béo và cholesterol; Hạn chế các món chiên, xào, rán, thay vào đó tăng cường chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp để giảm dầu, mỡ.
Lưu ý: Cha mẹ hãy nhắc trẻ uống nước hàng ngày (khoảng 1,5-2l nước/ngày).
Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, thể thao
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ít nhất 60 phút mỗi ngày. Các hoạt động như bơi lội, đạp xe, chạy bộ… và các trò chơi vận động đều rất tốt với các con. Nếu có điều kiện, hãy đăng ký cho trẻ tham gia các câu lạc bộ thể thao như bóng đá, bóng rổ, võ thuật…
Bạn có thể tăng cường các hoạt động ngoài trời cho trẻ bằng cách đưa trẻ đi công viên, bãi biển, khu vui chơi ngoài trời, hoặc gia đình cùng nhau đi bộ, leo núi, chơi thể thao.
Tất cả những hoạt động trên không chỉ giúp trẻ có thể giảm cân mà còn duy trì một sức khỏe dẻo dai.
Với trẻ quá thừa cân, cha mẹ nên đưa con đến gặp các chuyên gia, huấn luyện viên sức khỏe để kiểm tra và tư vấn chương trình tập luyện sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Sinh hoạt điều độ
Ngoài chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, trẻ béo phì muốn giảm cân cần tuân thủ giờ giấc sinh hoạt điều độ và hợp lý.
Trẻ cần được ngủ 8-10 tiếng mỗi đêm (tùy độ tuổi) để cơ thể hồi phục và tái tạo năng lượng.
Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi máy tính, iPad hay điện thoại. Việc ngồi lì trước màn hình điện tử không chỉ khiến trẻ mắc các bệnh về khúc xạ, cột sống mà còn tăng nguy cơ béo phì.
Bên cạnh đó, những lời động viên và khích lệ, khen ngợi của cha mẹ cho những nỗ lực và tiến bộ mỗi ngày cũng là động lực để trẻ giảm cân.
Cha mẹ hãy tạo môi trường lành mạnh và tích cực, tránh gây áp lực hoặc so sánh con với trẻ khác, đồng thời giúp con hiểu về lợi ích của việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và sinh hoạt điều độ.
5 sai lầm cha mẹ nên tránh khi giúp con giảm cân 1. Đặt mục tiêu quá cao: Đặt mục tiêu giảm cân quá nhanh hoặc quá cao có thể gây áp lực và thất vọng cho trẻ. Thay vào đó, bạn hãy cùng con đặt ra các mục tiêu cụ thể và phù hợp, tập trung vào việc cải thiện thói quen sống lành mạnh hơn là con số trên bàn cân. 2. Bắt trẻ bỏ bữa hoặc ăn quá ít: Bỏ bữa hoặc ăn quá ít có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất và khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ ăn đủ ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày, với các khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng. 3. Cấm hoàn toàn các món ăn trẻ thích: Hành động này có thể khiến trẻ cảm thấy bị hạn chế và dễ dẫn đến ăn quá nhiều khi có cơ hội. Để tránh sai lầm này, thỉnh thoảng cha mẹ cho phép trẻ được thưởng thức các món ăn yêu thích với một lượng hợp lý. Bạn cũng có thể gợi ý các món ăn lành mạnh và ngon miệng khác thay thế món ăn quen thuộc mà trẻ yêu thích. 4. So sánh con với trẻ khác: So sánh con với người khác có thể khiến trẻ cảm thấy bị áp lực và tự ti về bản thân. Là cha mẹ, bạn hãy động viên và khích lệ sự tiến bộ của con. 5. Quá tập trung vào vấn đề cân nặng, bỏ qua các vấn đề sức khỏe khác: Nhiều bậc cha mẹ chỉ tập trung vào số cân nặng của trẻ mà bỏ qua các yếu tố khác như sức khỏe tổng thể, cảm xúc và sự phát triển của trẻ. Bạn cần đánh giá sự tiến bộ của con qua nhiều khía cạnh khác nhau như sự cải thiện về sức bền, tâm trạng và thói quen ăn uống. |
Phương Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 12