Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Thuốc lá điện tử: Bộ Y tế đề xuất cấm, Bộ Công Thương muốn thí điểm quản

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trước tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đến nay đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc cấm hay quản mặt hàng này vẫn đang còn nhiều tranh cãi.

Đề xuất áp thuế nhập khẩu, quản lý thí điểm thuốc lá điện tử

Trước thực trạng buôn lậu thuốc lá điện tử gia tăng, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan vào dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi.

Anh 3 Ky 3 thuoc la dien tu.jpg
Đa số ý kiến đồng tình cấm thuốc lá điện tử vì những tác hại đến thế hệ trẻ. (Ảnh: An Linh).

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra kiến nghị cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá làm nóng (gồm điếu thuốc lá nung nóng và thiết bị nung nóng điếu thuốc lá) và đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử.

Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương đề nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.

Lý giải về đề xuất này, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, trong luật chưa đề cập cụ thể và không định nghĩa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đã tạo nên khoảng trống pháp lý với sản phẩm này. Trong khi đó, tình hình buôn lậu và sử dụng thuốc lá điện tử đang rất phức tạp, mới chỉ xử lý hành chính mà chưa có chế tài xử lý hình sự nên rất cần có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn hành vi nhập lậu và gian lận thương mại.

“Bộ Công Thương chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá nung nóng trong 2 năm, dựa trên cơ sở các ý kiến thống nhất từ các bộ, ngành liên quan.

Về quan điểm cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu và đánh giá một cách có cơ sở khoa học tác hại của chúng tới sức khỏe người sử dụng.

Trường hợp các sản phẩm này có tác hại tới mức phải cấm lưu hành và sử dụng thì Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm này trên cơ sở bảo vệ sức khỏe toàn dân”, ông Hoàn nói.

Trong phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng đồng tình quan điểm cần đặt việc bảo vệ sức khỏe của người dân, của cộng đồng lên trên hết.

Bộ Công Thương với vị trí, vai trò đặc thù của mình đã soạn thảo các báo cáo, đề xuất trên tinh thần hướng đến quản lý xã hội một cách tốt nhất. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trên thế giới các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra đời từ lâu, số lượng người sử dụng, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang rất nhiều.

“Nhận thấy các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả nên Bộ Công Thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này”, bà Phan Thị Thắng nói.

Lý giải về việc tại sao chưa có khuôn khổ pháp lý quản lý thuốc lá điện tử, ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, tại thời điểm xây dựng văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa phổ biến.

Đến nay, các quy định pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Hiện các bên vẫn tranh cãi liệu thuốc lá thế hệ mới có phải là thuốc lá hay không. “Khi đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý thì sẽ có những tiêu chuẩn quản lý về chất lượng, kiểm định sản phẩm cũng như chống thất thu thuế, ngân sách nhà nước”, ông Hải nêu quan điểm.

Anh 2 Ky 3 thuoc la dien tu.jpg
Bộ Công Thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử. Ảnh: M.P

Bộ Y tế nhất quán quan điểm cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử

Tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhất quán đề xuất cấm thuốc lá điện tử, nung nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác.

Về lý do đề xuất cấm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, căn cứ vào nghị quyết của Đảng, căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành cùng các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì phải cấm, không thể quản lý rồi lại đưa ra thị trường, tương tự như việc cấm sử dụng ma túy.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định cấm thuốc lá thế hệ mới vào luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, ổn định trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quy trình này dự kiến mất nhiều thời gian.

“Thuốc lá thế hệ mới là vấn đề nóng, dư luận rất quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh thêm nhiều người nghiện nicotine, gây nguy hại sức khỏe.

Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến lệch chuẩn về lối sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội.

“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nêu quan điểm.

Về phía cơ quan giám sát, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng ủng hộ việc cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Hạ, việc cấm ở đây còn liên quan đến vấn đề quyền con người, kinh doanh nên phải dùng luật và rất thận trọng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ càng, thực sự thuyết phục. 

“Cả Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều đưa ra các lý lẽ của mình trong việc muốn cấm và thí điểm quản lý. Theo tôi, ở đây, quan trọng nhất là mọi quy định cần dựa trên việc phải đảm bảo sức khỏe, an toàn, quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước”, ông Tạ Văn Hạ nêu ý kiến. 

Theo ông Hạ, trong lúc chờ các quy định cụ thể về cấm hay quản lý, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc phòng, chống buôn lậu, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với những trường hợp buôn lậu, bán với số lượng lớn, ngoài xem xét xử lý hành chính, có thể đề nghị các biện pháp xử lý khác mạnh hơn để tạo sự răn đe. Đồng thời, các cơ quan quản lý thị trường, công an cần nâng cao trách nhiệm của mình, vào cuộc xử lý nghiêm minh các trường hợp buôn bán, vận chuyển hàng lậu.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hồng Kông - Trung Quốc; Đài Loan - Trung Quốc; Venezuela). Tại khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, gồm: Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore và Brunei. 

 

Thùy Hương

Báo Lao động Xã hội số 67

Tin liên quan