Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng qua kênh phân phối

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian qua, hàng Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nhiều hệ thống phân phối như: Saigon Coop, AEON, Central Retail… và mang lại hiệu quả tốt.

Việc xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất có thêm lợi nhuận mà còn giúp hàng Việt Nam có cơ hội xuất hiện bằng chính thương hiệu riêng - yếu tố quan trọng xây dựng thành công thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, bên cạnh việc phân phối sản phẩm, hàng hóa Việt tại thị trường trong nước, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập 17 hiệp định thương mại tự do, mở ra thị phần rất lớn cho hàng Việt, Saigon Co.op đã đưa ra chiến lược xuất khẩu cho hàng Việt.

Nhà bán lẻ này từng bước thiết lập hành lang xuất khẩu an toàn cho hàng hóa bằng cách hợp tác với nhiều chuỗi phân phối trên toàn cầu. 

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng qua kênh phân phối - 1
Hàng Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON.  Ảnh: AEON

Năm 2023, thông qua hợp tác với NUTC Fair Price - đơn vị bán lẻ hiện đại chuyên nghiệp có trên 260 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đóng góp 57% thị phần tại Singapore, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy, hải sản sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu gần 90 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Saigon Co.op đã bắt tay cùng Công ty STC Natural Vina xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ. Nhóm hàng được lựa chọn xuất khẩu đợt này mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD.

Toàn bộ sản phẩm này sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H-mart thuộc Tập đoàn Hee Chang - tập đoàn bán lẻ danh tiếng của Hàn Quốc với bề dày hơn 30 năm tại thị trường Mỹ với hơn 100 điểm bán.

Trước đó, hai đơn vị cũng vừa xuất thành công 2 container hàng Việt sang thị trường Canada. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của Saigon Co.op chạm mốc 120 tỷ đồng vào năm 2025.

Là một trong những chuỗi phân phối lớn nhất thế giới, Tập đoàn Walmart luôn có nhu cầu đa dạng mặt hàng cho hệ thống phân phối của mình. Nhiều năm gần đây, Walmart đã thu mua nhiều hàng hóa của Việt Nam, từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm như xoài đông lạnh, trà, cà phê…

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart toàn cầu và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Hàng Việt Nam không chỉ thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như: Trung Quốc, Canada, Mexico… Năm 2023, Walmart thu mua 7 tỷ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi.

Thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn Walmart là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á. Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart chia sẻ: “Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu để Walmart tìm kiếm nguồn hàng cung ứng.

Các mặt hàng tại hệ thống Walmart ngày càng đa dạng từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh…”.

Thời gian qua, hàng Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống AEON. Thông qua đề án, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn cao của Nhật Bản đã được nhập khẩu và đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của AEON tại Nhật Bản và các nước khác.

Theo thống kê từ AEON, hiện sản lượng thu mua hàng hóa tại Việt Nam vào hệ thống của AEON tăng trưởng mạnh qua các năm, năm sau gấp đôi năm trước và dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Chuối, xoài tươi… đã được AEON thu mua 100% từ Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được đánh giá có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… 

Sự ổn định trong chuỗi cung ứng của AEON trên toàn cầu những năm qua có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Tới đây, tập đoàn sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của AEON để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu.

Với nhóm hàng dệt may, AEON chú trọng những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp như chống tia UV, chống thấm nước...

Theo các chuyên gia, xuất khẩu qua các kênh phân phối của nước ngoài là một trong những lựa chọn đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, xuất khẩu qua kênh phân phối nước ngoài cho thấy các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tốt.

Bởi lẽ vào được hệ thống phân phối tại thị trường nội địa đã khó, xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối còn khó khăn gấp bội.

Thứ hai, hiện nay, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu hàng hóa cho các nhà nhập khẩu và sau đó mới bán cho các nhà bán lẻ nên đôi khi sản phẩm sẽ được bán với thương hiệu của nhà nhập khẩu. 

Nếu đưa hàng được vào thẳng các kênh phân phối của nước ngoài thì sẽ tăng cơ hội để hàng hóa được bán với thương hiệu Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để đưa được hàng thẳng vào các chuỗi phân phối lớn là không dễ. Minh chứng là hiện nay, kim ngạch xuất khẩu qua các hệ thống siêu thị vẫn còn khiêm tốn và tập trung vào các mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh như cà phê, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn…

Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí của thị trường quốc tế.

Đức Kiên

Báo Lao động và Xã hội số 144