Ngày 21/8, tại phiên họp thứ 36 của UBTV Quốc hội, Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, VH-TT&DL đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, gần đây, tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ, tuy nhiên cách tính giá điện bậc thang hiện chưa phù hợp với người dân.
Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0 - 50kWh. Đại biểu đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường.
Bởi, điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường.
Theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của UBTV Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì đã sửa đổi, bổ sung Quyết định này.
Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ, giá điện bán lẻ được tính toán lại thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50kWh lên 0 - 100kWh như đề xuất của đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, cách tính này sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới mức 30kWh. Từ mức 30 đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện trong sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL: Du lịch đêm - Mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo
Chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, một số đại biểu Quốc hội phản ánh, sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu. Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách để kích cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, Bộ VH-TT&DL đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách để làm các sản phẩm.
“Nhiều địa phương không làm thì thiếu mà làm thì thừa, du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải Bộ. Tôi nghĩ, mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc. Chúng tôi có đề án, có khung, gợi ý cách làm, chứ không làm thay cho địa phương được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Không thể tiêu thụ hàng hóa nếu không theo tiêu chuẩn thị trường
Trả lời đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) về giải pháp tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.
Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản, ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.
"Không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không theo được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi", ông Hoan nói.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ.
Đối với vấn đề nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm, Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhiên theo Bộ tưởng Lê Minh Hoan, vẫn còn những khó khăn nhất định, cụ thể là chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu.
Châu Giang
Báo Lao động và Xã hội số 101