Kịp thời triển khai các hoạt động trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng, năm 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trợ giúp cho 394.505 lượt người, với tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng.
Trong đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp các gia đình có người thương vong do thiên tai, thảm họa tại các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Nam, Yên Bái, Thừa Thiên Huế.
Triển khai Dự án Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Đăk Nông.
Cùng với đó, là chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, hỗ trợ nhà an toàn phòng, chống thiên tai cho ngư dân; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phòng ngừa thiên tai, thảm họa, như: dự án “Mô hình toàn diện về cộng đồng an toàn”, dự án “Xanh hóa hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, dự án “Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo” đối với nắng nóng…
Riêng đối với hoạt động hỗ trợ thiên tai, thảm họa các nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Lời kêu gọi trong nước để ủng hộ, hỗ trợ người dân 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và sẻ chia tấm lòng, tình cảm của nhân dân Việt Nam, với số tiền gần 45 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai, thảm họa trên thế giới ngày càng khốc liệt, gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế-xã hội, cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.
Tại Việt Nam, năm 2023, đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, như: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng); mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích...
Để chủ động các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thảo luận về các chương trình, mô hình hay, công tác điều phối, phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa ở các địa phương.
Trên cơ sở đó, rà soát, chuẩn bị các nguồn lực; vận động nguồn lực từ các đối tác trong và ngoài phong trào để sẵn sàng cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2024.
Bùi Minh