Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Trung Quốc: Đằng sau xu hướng người trẻ tới "nhà dưỡng lão thanh niên"

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường việc làm cạnh tranh đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc bị căng thẳng tâm lý và quyết định tìm đến “nhà dưỡng lão cho thanh niên” để cân bằng cảm xúc.

Bình minh ló rạng, ánh nắng sưởi ấm con đường lát đá cuội và những bức tường nhuốm màu thời gian. Tiếng ve kêu, xa xa lại có tiếng chào hàng của những xe bán rong ven đường.

Đây là khung cảnh buổi sáng bình thường tại làng dưỡng lão thanh niên Guanye thuộc tỉnh Hà Bắc, một trong nhiều khu vực dành cho những người trẻ làm việc quá sức, theo cô Xiaofei, 28 tuổi.

Ảnh 1 Bài 1_Nha duong lao thanh nien Trung Quoc.jpg
Người trẻ tại “làng dưỡng lão thanh niên” tỉnh Hà Bắc. Ảnh: CNA

Nép mình gần công viên quốc gia Yesanpo, không khí tại ngôi làng này khác xa thủ đô Bắc Kinh - nơi giao thông tắc nghẽn, họp hành liên miên đã trở thành điều bình thường.

Sự tò mò đã lôi kéo người trẻ Bắc Kinh tới đây vào 2 tháng trước, sau khi họ phát hiện ra nơi này trên mạng xã hội Xiaohongshu.

“Tôi quá ngán ngẩm với môi trường cạnh tranh ở thành phố. Sau khi trải nghiệm (làng dưỡng lão thanh niên), tôi thấy nơi này khá thoải mái và cảm giác như tôi đang được trở lại quê nhà”, cô Xiaofei chia sẻ với CNA.

Cũng giống cô Xiaofei, ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm những địa điểm như vậy. Theo các nhà phân tích, xu hướng này cho thấy giới trẻ Trung Quốc đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi nền kinh tế chưa phát triển như kỳ vọng, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt và vật giá ngày càng leo thang.

“Tôi nghĩ sự xuất hiện của nhà dưỡng lão thanh niên là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn, đó chính là nền kinh tế và thị trường lao động đang có chút vấn đề”, ông Zak Dychtwald, người sáng lập nhóm nghiên cứu và công ty tư vấn Young China Group cho biết.

Nghịch lý người trẻ “nghỉ hưu”

Trái ngược với cái tên, nhà dưỡng lão thanh niên không phải nơi chăm sóc người cao tuổi nghỉ hưu. Theo quản lý Cui Kai tại làng Guanye, cụm từ “nhà dưỡng lão” được dùng một cách ẩn ý, nhằm biểu thị mong muốn tìm kiếm bình yên trong tâm hồn và lối sống thư thái bất kể tuổi tác. Ông cho biết: “Cách tiếp cận sáng tạo này phản ánh rằng biến chuyển văn hóa đang có xu hướng trân trọng sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cá nhân”.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng nơi này là “chỗ trốn” của những người trẻ khỏi áp lực cuộc sống.

Thành lập vào năm 2017, làng Guanye sở hữu hơn 240 chiếc giường trong 3 tòa ký túc xá và 10 khoảng sân. Mức giá lưu trú thấp nhất từ 138 nhân dân tệ (476.000 đồng)/ngày và 3.599 nhân dân tệ (12,6 triệu đồng)/tháng. 

Đa số những người ở đây trong khoảng 20 đến 40 tuổi. Tuy làng Guanye không giới hạn độ tuổi nhưng có một ngôi làng tương tự ở Vân Nam từ chối nhận người trên 45 tuổi và những người “ăn không ngồi rồi”.

Các viện dưỡng lão thanh niên như vậy đã mọc lên khắp Trung Quốc và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mặc dù không có dữ liệu công khai nhưng tờ CNA đã kiểm chứng rằng những cơ sở kiểu này đã có mặt tại các nơi như: Trịnh Châu, Trùng Khánh, Vân Nam, Sơn Đông.

Tuy nhiên, xu hướng này đang hứng chịu chỉ trích, đặc biệt từ các thế hệ đi trước, dù nó phản ánh các vấn đề thực tế như bối cảnh và môi trường làm việc khắc nghiệt tại Trung Quốc.

Một người dùng mạng xã hội Weibo bày tỏ: “Thật khó mà tưởng tượng cách xã hội sẽ vận hành khi tất cả người trẻ đều chấp nhận suy nghĩ như vậy”.

“Nhiều người trẻ đang đuối dần, nhiều người trong số họ không thấy bất kỳ hy vọng gì trong việc đạt được điều mình mong ước trong sự nghiệp”, theo TS Amir     Hampel, trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết ngay cả khi chỉ nghỉ ngơi tại viện dưỡng lão thanh niên một khoảng thời gian ngắn, người trẻ cũng không đơn giản là phí phạm thời gian. “Phần lớn họ không chỉ ngồi đó và say xỉn tại những trung tâm này. Họ tiếp nhận vốn văn hóa địa phương”.

Đối với sinh viên đại học 20 tuổi Fang Jingyu, 2 ngày lưu trú ngắn ngủi tại làng dưỡng lão thanh niên Guanye vào đầu tháng 7 đến một cách đầy bất ngờ. “Trước đây, tôi có một số thành kiến về các nhà trọ nông thôn vì tôi nghĩ rằng họ khó hòa hợp với văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, tôi đã ấn tượng sâu sắc trước tình cảm gắn bó giữa những người tổ chức, các vị khách và người dân địa phương”, cô chia sẻ với CNA và cho biết thêm, dân làng rất đáng mến và cô trân trọng trải nghiệm “văn hóa nông thôn đích thực” đầu tiên ở miền bắc Trung Quốc này.

TS Hampel cho biết: “Họ không thực sự từ bỏ… Những nơi này giúp giới trẻ có thể gặp gỡ bạn đồng trang lứa và thoát khỏi áp lực, ít nhất là tạm thời. Họ cảm thấy họ không lãng phí thời gian mà họ cải thiện bản thân”.

Một số người trẻ dành thời gian để phát triển các kỹ năng như tạo mối quan hệ và quản lý. Những người khác cũng tận dụng cơ hội để củng cố hiểu biết của mình.

“Làng Guanye là một “trạm sạc” cho đời sống hiện đại, một lối thoát khỏi cuộc sống xô bồ nơi thành thị cho những người tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và thư giãn”, ông Cui chia sẻ.

Áp lực tăng, người trẻ “nằm yên, mặc kệ đời”

Theo các nhà phân tích, sự nổi lên của xu thế trên cộng với trào lưu “nằm yên, mặc kệ đời” từ năm 2021 tại Trung Quốc cho thấy sự ủng hộ của giới trẻ với việc từ bỏ tham vọng nghề nghiệp để hướng tới lối sống đơn giản, ít áp lực hơn.

Ông Dychtwald từ Young China Group tin rằng, sự xuất hiện của các viện dưỡng lão thanh niên là một phần của xu hướng lớn hơn, phản ánh bước biến chuyển quan trọng của thế hệ.

Ông nhận thấy giới trẻ Trung Quốc ngày nay tràn đầy khát vọng nhưng cũng vô cùng lo lắng khi phải gánh vác kỳ vọng và áp lực lớn, cộng thêm việc nền kinh tế đất nước đang phát triển chậm lại.

“Họ vẫn luôn muốn được là chính mình và thực hiện ước mơ của họ. Nhưng hiện thực kinh tế mới này khiến nhiều người trong số họ nhận ra việc thực hiện khát vọng tuổi trẻ là gần như không thể”, ông Dychtwald nói.

Ông chỉ ra rằng mức thu nhập trung bình đang không theo kịp giá nhà và cho rằng sự khác biệt này là “sai lệch sâu sắc”. Ngoài ra còn có các chi phí sinh hoạt như thức ăn, di chuyển và đồ dùng cá nhân.

“Điều này dẫn tới việc người trẻ cảm thấy cuộc sống mong ước của mình là xa vời trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vậy họ làm gì? Một số đang “nằm yên, mặc kệ đời”, một số đang lãng phí thời gian và một số ăn bám gia đình. Họ cảm thấy thời gian được sử dụng có ích hơn khi dành cho gia đình, nhận một khoản trợ cấp nhỏ từ việc đó và sống ở nhà”, ông Dychtwald cho biết.

Ông Dychtwald lưu ý rằng việc thay đổi cách nghĩ ở Trung Quốc, đặc biệt ở giới trẻ, phản ánh xu hướng toàn cầu. Sự thay đổi này thể hiện trong việc thoát khỏi định hướng sự nghiệp truyền thống mà hướng tới cuộc sống linh hoạt hơn, hướng tới cộng đồng.

Ông cũng tin rằng việc các viện dưỡng lão thanh niên trở nên phổ biến có liên quan tới mối quan tâm về cuộc sống cộng đồng. “Có rất nhiều người trẻ trên thế giới, không chỉ Trung Quốc thừa nhận rằng, mạng xã hội khiến họ cô đơn, mặc dù “kết nối” nhiều hơn, nhưng họ lại thấy thiếu gắn kết, vì vậy họ chỉ cần ở trong một cộng đồng là đủ".

Cô Xiaofei đồng ý với điểm này. Trao đổi về trải nghiệm của bản thân tại làng dưỡng lão thanh niên Guanye, cô mô tả tiếng chuyện trò và tiếng cười tự nhiên là điểm nhấn chính của bữa sáng chung.

Với sinh viên tại một đại học ở Bắc Kinh như cô Fang, cô mong ngóng tới ngày được trở lại làng Guanye để thư giãn.

Cô bày tỏ: “Đa số mọi người sẽ muốn nằm xuống và nghỉ ngơi một lát trước khi bắt đầu lại (công việc) và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi nhớ một trong số các khẩu hiệu ở làng dưỡng lão là “hãy nằm nghỉ”. Nó thực sự cho tất cả mọi người một cơ hội thư giãn hoàn toàn và không thấy áy náy trong một lát. Tôi coi bản thân là một người có mục tiêu, vì vậy tôi sẽ cứ tiến lên, kể cả khi phải lo lắng một chút.”

Phương Ngân (theo CNA)

Báo Lao động và Xã hội số 100

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...