1. Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/6/2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, trong đó, quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Nghị định nêu rõ: Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là: Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau: Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của một nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc.
Bên cạnh đó, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu…
2. Hướng dẫn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Theo Thông tư, hồ sơ cấp bằng bảo hộ giống cây trồng gồm Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo mẫu. Trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ, chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau: Mất, rách, hỏng, phai mờ đến mức không đọc được, thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.
Hồ sơ yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng gồm: Tờ khai yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo mẫu; tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ bằng bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ; bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp bằng bị mất); giấy ủy quyền theo mẫu đối với trường hợp nộp đơn qua đại diện.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả cho người đăng ký. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do. Trường hợp có ý kiến phản đối việc cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng của người thứ ba, việc xử lý ý kiến thực hiện theo các quy định tại Điều 184 Luật Sở hữu trí tuệ.
Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại được cấp sau 30 ngày kể từ ngày đăng tải quyết định cấp lại trên Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung "cấp lại" tại góc trái phía dưới của bằng bảo hộ.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2021.
3. Giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3
Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 5/8/2021.
Theo đó, khung giá nước sạch được quy định như sau: Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu 3.500 đồng/m3, tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có mức từ 3.000 - 15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn có mức từ 2.000 - 11.000 đồng/m3.
4. Hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tư quy định nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các giao dịch đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các giao dịch thực hiện bởi người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không nhằm mục đích tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán và các hành vi giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin về các giao dịch chứng khoán theo pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán…
Thông tư cũng quy định rõ về nghĩa vụ trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Khi cung cấp dịch vụ, tham gia đấu giá chứng khoán theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài thì công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải tách biệt riêng các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư trong nước (nếu có) và của chính mình, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam; có trách nhiệm phân bổ công bằng và hợp lý tài sản cho từng khách hàng phù hợp với hợp đồng đã giao kết.
Thông tư 51/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/8/2021.