Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Chính sách pháp luật đất đai: Bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế

(Dân sinh) - Trên cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Đắk Lắk cần nghiên cứu những vấn đề mới để có định hướng trong thời gian tới.

Chính sách pháp luật đất đai: Bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy Đắk Lắk

Trong khuôn khổ Chương trình làm việc với các ban, bộ ngành, địa phương về nhiệm vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 13/7/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trần Tuấn Anh chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy Đắk Lắk về nội dung này.

Cần nghiên cứu những vấn đề mới

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chính sách pháp luật đất đai qua các kỳ Đại hội luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm nhằm mục tiêu để đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, đồng thời bảo đảm được sự ổn định và công bằng xã hội".

Trong giai đoạn vừa qua, Trung ương đã ban hành một số Nghị quyết có liên quan đến chính sách, pháp luật đất đai để mở đường cho việc xây dựng, hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Chính sách pháp luật đất đai: Bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Đặc biệt là Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khoá XI ngày 31/10/2012 Về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau gần 10 năm thực hiện, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo để tiến hành tổng kết toàn diện Nghị quyết quan trọng này.

Trên cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của địa phương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Đắk Lắk cần nghiên cứu những vấn đề mới để có định hướng trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

"Làm sao bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nhất là đồng bào ít người cũng như các vấn đề về xã hội, an ninh quốc phòng", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chính sách pháp luật đất đai: Bảo đảm quản lý đất đai có hiệu quả, phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo chung của Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung báo cáo làm rõ một số nội dung cơ bản về kết quả Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của tỉnh.

Qua đó, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, nhìn chung công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), việc phân cấp quản lý theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định, công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nề nếp và ổn định.

Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao.

Các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản được ban hành, đã từng bước xây dựng hình thành và quản lý được thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất.

Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền sử dụng đất, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai.

"Quyền sử dụng đất đã trở thành một nguồn lực quan trọng để huy động các nguồn vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đai đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh", ông Trung cho biết.

Đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm của của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW, cũng như những ý kiến trao đổi, phân tích rất thẳng thắn, chất lượng về những nội dung trong Báo cáo, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, giải pháp chủ yếu của Tỉnh để đưa vào Báo cáo Tổng kết Nghị quyết.

"Nhất là các vấn đề về thể chế hóa các chính sách pháp luật đất đai, cụ thể như đất rừng, sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng; giải pháp nâng cao đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, của người nông dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh…", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Chỉ đạo và chỉ đạo các đơn vị, địa phương của tỉnh kịp thời bổ sung những thông tin cần thiết để phục vụ Tổng kết;

Khẩn trương làm rõ những vấn đề chưa rõ khi Ban Chỉ đạo có yêu cầu để kịp thời tổng hợp ý kiến trình Bộ chính trị và Ban Chấp hành Trung ương theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; là tỉnh trọng điểm của vùng Tây Nguyên, nhiều dân tộc cùng chung sống. Một trong những tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho Đắk Lắk đó là tài nguyên đất.

Trong những năm qua, việc quản lý và sử dụng đất đai của Đắk Lắk cũng đã có những thành tựu đáng kể nhưng đồng thời cũng còn có những tồn tại, hạn chế. Đắk Lắk đã có những đề xuất, kiến nghị quan trọng để góp phần xây dựng Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương.