Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tổng quan về Dự án Thành phố thông minh. Theo đó, Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 3 xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ. Tổng diện tích thu hồi đất là 271,5ha. Tổng số hộ dân có diện tích đất cần thu hồi là 1.455 hộ. Thời gian triển khai thực hiện dự án được chia làm 5 giai đoạn, từ nay đến năm 2028.
Tại hội nghị, đã có 18 ý kiến phát biểu của đại biểu nhân dân, trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: Đề nghị giữ nguyên hiện trạng khu dân cư hiện có; giữ nguyên các công trình trụ sở, trường học, trạm y tế và một số công trình khác. Đại đa số ý kiến của Nhân dân tập trung vào giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất bị thu hồi.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định: Thành phố thông minh là một dự án lớn cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án đang được UBND huyện thực hiện đúng theo chính sách giá đền bù hiện hành theo quy định Nhà nước, đảm bảo tốt nhất quyền lời của Nhân dân.
Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… Đây là dự án được lập dựa trên đồ án quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài có chiều dài khoảng hơn 11km (từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài), do BRG thực hiện.
Để triển khai dự án mang tầm cỡ quốc tế, có quy mô lớn này vào cuối năm 2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội, tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài.
Một số hình ảnh phối cảnh 1/500 về viễn cảnh thành phố thông minh trong lai nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, cũng như thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển giai đoạn 1 của liên doanh nhà đầu tư cũng đã được hé lộ.
Hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của Công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng chính là "Rồng đón ngọc", xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.