Thông tin tại họp báo, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một tỉnh ở Tây Nguyên, được tổ chức từ ngày 19/5 – 25/5/2022.
Trong khuôn khổ của Tuần lễ các sự kiện, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Hoạt động này được tổ chức trang trọng vào đêm 21/5 tại trung tâm TP Pleiku, truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia khu vực miền Trung – Tây Nguyên (VTV8), Đài PT-TH tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng ngày, Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên” với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai” và “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai” cũng được tổ chức với sự tham dự của các khách mời trong và ngoài nước.
Tiếp đó, Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản 2022” diễn ra từ ngày 22/5 – 23/5 tại TP Pleiku với chuỗi các hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai và các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng.
Diễn ra từ ngày 20/5 đến hết ngày 24/5, “Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022” cũng là một hoạt động được tổ chức với quy mô lớn, công phu, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác trong tuần lễ sự kiện này như: Lễ thượng cờ; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ viếng các liệt sỹ; Thăm và tặng quà các đồng chí lão thành cách mạng; Cuộc thi tìm hiểu “Gia Lai – 90 năm hình thành và phát triển”; Các tour du lịch sinh thái, tham quan di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa…
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, Gia Lai có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH và QP-AN của vùng Tây Nguyên, cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông, Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với địa phương.
Đặc biệt, vừa qua tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng phê duyệt 4 danh mục kêu gọi FDI giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch tỉnh Gia Lai cũng đang được đánh thức “sau giấc ngủ dài”.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, các cơ chế chính sách để nâng cao đời sống của nhân dân không ngừng được củng cố; hợp tác cấp địa phương cũng thường xuyên được tăng cường.
Tại cuộc họp báo, những vấn đề báo chí, doanh nghiệp quan tâm và được giải đáp là: Định hướng, giải pháp để khai thác tiềm năng du lịch Gia Lai trong thời gian tới; hướng đi nào để nâng cao hơn nữa đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đối với địa phương có 44 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số như tỉnh Gia Lai; Các dự án, sản phẩm du lịch kết hợp giữa TP.HCM và Gia Lai; Giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp địa phương…