Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Công viên nước 200 tỉ xây không phép rồi đập bỏ: Xem xét trách nhiệm quản lý xây dựng

Lực lượng chức năng quận Hà Đông, Hà Nội tháo dỡ công trình sai phạm tại công viên nước Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông thuộc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5. Chi phí đầu tư xây dựng công viên nước này khoảng 200 tỉ đồng này được đưa vào kinh doanh từ tháng 6-2019.

Sáng 15/1, lực lượng chức năng quận Hà Đông tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tại khu công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) thuộc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5.

Công viên nước 200 tỉ xây không phép rồi đập bỏ: Xem xét trách nhiệm quản lý xây dựng - Ảnh 1.

Công viên nước Thanh Hà

Ông Dương Ngọc Thỏa, Phó chủ tịch phường Phú Lương, quận Hà Đông, cho biết việc phá dỡ Công viên nước Thanh Hà thực hiện theo quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do quận Hà Đông ban hành ngày 24/12/2019.

"Công viên nước chưa được cấp phép xây dựng. Chúng tôi đã gửi thông báo yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ từ ngày 27/11/2019. Quá thời hạn, chủ đầu tư không thực hiện nên buộc chúng tôi phải cưỡng chế".

Trao đổi với Trí thức trẻ về vấn đề trên, GS Nguyễn Văn Liên (nguyên Phó Chủ tịch tổng Hội Xây dựng Việt Nam) khẳng định, nếu doanh nghiệp xây không đúng thì phải phá bỏ, thiệt hại họ tự chịu dù việc này gây thất thoát, lãng phí.

Tuy vậy, ông Liên bày tỏ băn khoăn không hiểu tại sao một công trình không phép lớn như vậy có thể "qua mắt" được cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện, đi vào hoạt động.

"Nếu không có phép thì phải cho dừng ngay từ đầu. Anh quản lý nhà nước để công trình không phép như vậy mọc lên rồi bảo không biết thì không đúng, mà biết sai phạm bây giờ mới cưỡng chế là có vấn đề", ông Liên nêu quan điểm.

Còn luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) nói, một công trình không phép xây dựng lớn như vậy phải cương quyết xử lý, phá bỏ để làm gương chứ không thể xử phạt cho tồn tại, rồi hoàn thiện thủ tục giấy phép sau. Làm như vậy là tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp, nhiều công trình sai phạm khác sẽ mọc tiếp.

Theo luật sư, dù lãng phí, thiệt hại bao nhiêu đi nữa thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bởi đó là hành vi coi thường pháp luật.

Cơ quan chức năng cũng phải xem xét đến trách nhiệm của cán bộ làm cấp phép, quản lý xây dựng trên địa bàn. Để một công trình hoàn thiện đi vào hoạt động như thế cho thấy chính quyền quá buông lỏng quản lý, những cán bộ sai phạm khi được làm rõ sẽ bị xử lý, kỷ luật theo Luật cán bộ công chức", luật sư Giáp phân tích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hùng Võ - cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - khẳng định với tất cả những công trình xây dựng không phép, sai phép, bất kể quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần áp dụng hình thức cưỡng chế kết hợp với hình phạt bổ sung thật nặng để ngăn ngừa sai phạm.

Theo ông, cần xử phạt vi phạm hành chính thật nặng vì mức phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng hiện nay rất thấp, nên chưa có sức răn đe với các chủ dự án có thể thu lợi rất lớn từ các dự án vi phạm.

Ông Võ cho rằng đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế.

"Người ta vẫn đồ rằng có lợi ích nhóm, có sự chung tay của cán bộ quản lý cấp phường, cấp quận, nhận phong bì rồi không làm gì, để mặc chủ dự án muốn làm gì thì làm" - ông Võ nêu ý kiến.

Theo pháp luật về đất đai, UBND cấp phường trực tiếp phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên xử lý.

Về thẩm quyền, quận Hà Đông là cơ quan có trách nhiệm quản lý tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Theo ông Võ, cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Xây dựng trên lô đất A2.2 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, công viên nước Thanh Hà rộng 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ. Công trình do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5, làm chủ đầu tư. Công viên nước Thanh Hà là công viên nước lớn nhất tại Hà Nội với số vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng. Công viên nước này được quảng cáo là khu tổ hợp quần thể công viên nước, bể bơi bốn mùa và nhà thi đấu đa năng lớn nhất Thủ đô với tổng số 9 hạng mục trò chơi mạo hiểm, tốc độ và khu dành riêng cho gia đình hoặc trẻ em.