Theo ghi nhận, giá thịt lợn hơi ngày 1/6 tại khu vực miền Bắc dao động 64.000 - 70.000 đồng/kg. Riêng tại Hà Nội, giá thịt lợn hơi ở mức 69.000 đồng/kg thấp hơn 1.000 đồng/kg so với ngày 30/5. Hiện, khu vực miền Bắc cũng là nơi có giá thịt lợn hơi thấp nhất cả nước. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi dao động từ 67.000 - 72.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt lợn hơi giao dịch trong khoảng từ 67.000 - 70.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn hơi trên cả nước đã giảm hơn 30.000 đồng/kg. Tuy giá thịt lợn hơi liên tục giảm và đang ở mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, song giá thịt lợn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống vẫn còn cao.
Cụ thể, tại chuỗi siêu thị Big C, giá thịt ba rọi do Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam phân phối đang được bày bán với giá 183.000 đồng/kg, thịt vai heo 115.900 đồng/kg, thịt sườn 200.000 đồng/kg. Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart, giá thịt ba chỉ là 179.000 đồng/kg, thịt vai và thịt sườn lần lượt là 149.000 đồng/kg và 150.900 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là loại sườn non đặc biệt có giá lên tới 286.900 đồng/kg. So với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể, chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí, một số loại thịt không có sự biến động nhiều về giá cả. Còn tại các khu chợ truyền thống, giá thịt lợn ở mức 120.000 – 160.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt lợn thăn, mông, vai sấn là 120.000 - 130.000 đồng/kg; thịt nạc vai, thịt ba chỉ và sườn có giá 160.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá thịt giảm 20.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thúy Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, có thời điể giá lợn hơi đã tăng lên đến 105.000 đồng/kg, giá thịt lợn sấn khoảng 150 nghìn đồng/kg, nay giá lợn hơi giảm về 70 nghìn đồng/kg, tương đương giảm hơn 30% nhưng giá thịt lợn chỉ giảm khoảng 20 nghìn đồng/kg là quá ít. "Tiểu thương luôn có hàng nghìn lý do để giảm giá thịt ít nhất có thể dù giá lợn hơi đã giảm. Còn giá thịt lợn trong các siêu thị còn đắt hơn cả ở chợ dân sinh. Vì thế, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt. Dịch Covid-19 tiếp tục vùng phát, thu nhập của hầu hết người dân đều bị giảm xuống, chi phí sinh hoạt gia đình tăng lên nên đã khó khăn lại thêm khó khăn", chị Vân nói.
Chị Vân cũng cho rằng, do thói quen nên trong bữa cơm của hầu hết người Việt thường có món thịt lợn được chế biến: Kho, luộc, nướng,…Vì thế, cũng như nhiều người tiêu dùng khác, chị Vân mong muốn giá thịt lợn nhanh chóng giảm tương xứng với giá lợn hơi đã giảm để bớt gánh nặng chi tiêu hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, việc vận chuyển từ vùng này sang vùng khác trở nên khó khăn, đặc biệt là các địa phương đang giãn cách xã hội. Người phân phối phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh như kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đội giá thịt heo lên cao. Mặt khác, từ trang trại đến bàn ăn trải quá nhiều khâu trung gian, các tiểu thương lợi dụng việc đó tạo chênh lệch để hưởng lợi.
Theo Cục Chăn nuôi, tổng số lợn của cả nước trong Quý I/2021 tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.019 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, chiếm khoảng 50% tổng đàn, còn lại 50% chăn nuôi nông hộ. Chăn nuôi nông hộ trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn khi giá lợn giống tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%, dịch bệnh phức tạp người dân không chủ động khâu vận chuyển, nhiều người chăn nuôi chấp nhận bán non, bị thương lái ép giá. Giá lợn hơi hiện đang dao động ở mức 64.000-68.000 đồng/kg, cứ dưới 70.000 đồng/kg là người chăn nuôi nông hộ không có lãi. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi kép kín, chủ động từ nguồn con giống, thức ăn, lợn thịt nên cho dù giá xuống 60.000/kg, doanh nghiệp vẫn có lãi.