Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mùa xuân nhớ Bác trong ký ức và suy ngẫm

Trần Huyền
Trần Huyền

Với thế hệ chúng tôi - những người sinh ra giữa thế kỷ XX - những kỷ niệm về Bác Hồ khi mùa xuân đến có hai sự kiện: Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đêm Giao thừa và Tết trồng cây.

Khi ấy, dù chỉ là cậu bé mới hơn 10 tuổi, nhưng tôi nhớ mãi những sự kiện đó và sau này khi lớn lên, tôi hiểu ý nghĩa sâu sắc của việc Bác đọc thơ đêm Giao thừa và trồng cây vào đầu Xuân.

Nhớ mãi đêm Giao thừa 1969

Khi hợp tác xã đánh cá được thành lập (vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX), bố tôi được bầu làm chủ nhiệm. Chủ nhiệm được trang bị một chiếc đài bán dẫn (radio) để theo dõi thời tiết, phục vụ việc đi biển.

Để tiết kiệm pin, hằng này, bố tôi chỉ nghe chương trình thời sự, trừ đêm Giao thừa.

1620161.jpg

Tôi nhớ mãi đêm Giao thừa xuân Kỷ Dậu 1969 - Với giọng đặc trưng của người Nghệ, ấm áp, gần gũi, Bác Hồ đọc thơ chúc Tết:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”

Bác đọc thong thả, chậm rãi và nhấn mạnh ở những chữ cần thiết, chữ “thắng to” vang lên mạnh mẽ, cao vút.

Đây là bài thơ chúc Tết Bác làm theo thể lục bát nên rất dễ nhớ. Cậu bé 12 tuổi là tôi khi ấy đã thuộc ngay bài thơ.

Thật không ngờ, đây là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác! Sau này, bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 được đặc biệt chú ý và trân trọng, nó đã được phổ nhạc và trình diễn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Điều đáng quý là Đài tiếng nói Việt Nam đã ghi âm và thường phát lại. Nay có Internet nên mọi người có thể nghe lại vào bất cứ lúc nào. Mỗi lần được nghe giọng của Bác, có cảm giác Người vẫn cùng với chúng ta đón xuân và chuẩn bị đi trồng cây.

Mùa Xuân là Tết trồng cây

Tôi không biết là bố tôi có đọc bài báo “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/11/1959 hay không. Đây là bài báo Bác Hồ với bút danh là Trần Lực viết để kêu gọi mọi người trồng cây.

Tôi chỉ biết, với tư cách là chủ nhiệm hợp tác xã, hằng năm, bố tôi đã tổ chức dân làng trồng cây sau Tết Nguyên đán.

Quê tôi là một làng biển nên việc trồng cây chắn gió có ý nghĩa rất quan trọng. Cây phi lao (cây dương) được dân làng tôi chọn trồng trên bãi cát ngay đường viền con sóng. Chúng đã tạo nên rừng dương xanh tốt, thơ mộng…

Ngày 5/8/1964, Mỹ mở đầu chiến tranh phá hoại ở miền Bắc ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Bố tôi ngồi ở bãi biển, lo lắng nhìn những đám khói bốc lên ở phía đảo Ngư và suy tư.

Mùa xuân 1965, dân làng tôi không trồng phi lao nữa mà trồng dừa ở trên bãi biển và tất cả những khoảng đất trống trong làng. Những cây dừa xanh tốt cho trái ngọt và bóng mát trong nhiều năm. Dù bị bom đạn và bão gió tàn phá, vẫn còn một số cây dừa mà bố tôi và những người dân trồng cách đây gần 60 năm thả dáng trên bãi biển.

image-20230202153953-1.jpeg
Mùa Xuân là Tết trồng cây...

Khi lớn lên, tôi mới biết để hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ, Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là “Tết trồng cây” đầu tiên được tổ chức trên miền Bắc.

Năm 1983, tôi về công tác tại Tạp chí Cộng sản (trụ sở cơ quan ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền, cách cổng chính Công viên Thống Nhất hơn trăm mét) thì được kể: Ngày 11/1/1960, trên công trường tạo dựng Công viên Thống Nhất, hàng ngàn người từ các đơn vị ở Thủ đô Hà Nội đang lao động Xã hội chủ nghĩa, làm cho công viên thêm xanh, sạch, đẹp hơn, bỗng có tiếng reo lên “Bác Hồ! Bác Hồ đến!”.

Trong bộ quần áo màu nâu sẫm giản dị, Bác nhanh nhẹn xuống xe, đi vào trong công viên. Bác tươi cười, giơ tay vẫy chào mọi người rồi đến bên một hố đất rộng, một cây đa nhỏ được đặt xuống hố, Bác nhanh nhẹn xắn tay áo, xúc từng xẻng đất vun vào gốc cây đa.

“Tết trồng cây” đầu tiên diễn ra giản dị và cảm động như vậy. Từ đây về sau, Bác Hồ còn tham gia nhiều “Tết trồng cây” nữa.

“Trồng cây nào phải tốt cây ấy…”

Bước sang năm 1969, sức khỏe của Bác yếu đi rất nhiều, ở tuổi 79, điều này không có gì là lạ. Tuy sức khỏe không tốt nhưng Bác Hồ vẫn không quên “Tết trồng cây”. Để giữ sức khỏe cho Bác, những người phục vụ đề nghị Bác hoãn việc trồng cây, nhưng Bác không đồng ý. Người nhấn mạnh:

“Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động “Tết trồng cây” nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, chính Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt.

Một ngày đầu xuân năm 1969, Bác đến địa điểm trồng cây, những người dân tham gia sự kiện đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp một cây đa và nói: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nói chuyện trồng cây, Bác nhấn mạnh: “Trồng cây nào phải tốt cây ấy”. Ý nghĩa của việc trồng cây là cây phải được chăm sóc; cây phải sống, xanh tốt và lớn lên.

Một trong những bài thơ tôi thuộc đầu tiên là bài “Cây đa của Bác”. Bài thơ này có trong sách giáo khoa cấp 1. Bài thơ mộc mạc, giản dị nhưng có ý nghĩa sâu xa, xin được trích hai câu đầu và hai câu cuối:

“Một chiều nắng ấm Thủ đô

Vui sao được thấy Bác Hồ trồng cây…” 

"Nghìn năm sau nhớ công lao

Trồng cây, bóng Bác che bao nhiêu người.”

Điều thú vị là năm 1972, tôi được gặp tác giả bài thơ này. Ngày đó, tôi được gọi vào lớp 8 chuyên Văn của tỉnh Nghệ An (tiền thân Trường chuyên Phan Bội Châu) và được học môn văn với thầy giáo Phan Huy Huyền. Thầy Huyền chính là tác giả bài thơ “Cây đa của Bác”.

Mùa xuân đang đến và mang theo nhiều điều tươi mới. Những điều thiêng liêng và đầy ý nghĩa cũng cần được làm sống lại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau.

Hồ Bất Khuất

Tin liên quan
Ngôi nhà hai lần được đón Bác Hồ

Ngôi nhà hai lần được đón Bác Hồ

(LĐXH) - Căn nhà của cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Kể chuyện Bác Hồ qua tư liệu ảnh

Kể chuyện Bác Hồ qua tư liệu ảnh

(LĐXH) - Rất nhiều người yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dày công sưu tầm tranh ảnh, tư liệu, lập phòng lưu niệm để kể những câu chuyện về...
Học Bác làm báo thời công nghiệp 4.0

Học Bác làm báo thời công nghiệp 4.0

(LĐXH) - Cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, trong đó...
“Vì lợi ích trăm năm…”

“Vì lợi ích trăm năm…”

(LĐXH) - Sinh thời Bác Hồ luôn dành những tình cảm thân thương, nồng ấm và những lời dạy ân tình cho thiếu niên và nhi đồng. Dù đã hơn nửa thế kỷ...
Chúng em kể chuyện Bác Hồ

Chúng em kể chuyện Bác Hồ

(VTE) - Những năm qua, hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" thường xuyên được các trường tiểu học và THCS trên toàn quốc tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày...