Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc

Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lượng lớn nông sản Việt. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật mới được áp cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp cần thay đổi để kịp thích ứng.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu thời gian qua, ông Triệu Thành Nam - Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, thời gian qua, nông sản xuất khẩu sang nhiều thị trường gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sút. Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm sau một thời gian neo ở mức cao.

Trước đây, nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Từ năm 2019, Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính". Điển hình, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại… và phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc. Đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng.

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông sản cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việt Nam có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trung Quốc cho phép trên 700 doanh nghiệp thủy sản; trên 20 doanh nghiệp gạo... của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường của họ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng nâng lên và đòi hỏi quy định chặt chẽ hơn. Đó là quản lý và đánh giá rủi ro cho một số loại hàng hóa lần đầu tiên nhập khẩu và chưa có trong danh mục; giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ hàng hóa; thông tin truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì; danh mục hàng hóa thực phẩm và danh sách cơ sở được phép xuất khẩu; chỉ định cửa khẩu nhập...

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục đăng ký bổ sung các mặt hàng thủy sản để đề nghị phía Trung Quốc cho phép bổ sung vào danh mục được phép xuất khẩu sang nước này.

Việc đáp ứng được các điều kiện, quy định và tiêu chuẩn cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới mà các nước xuất khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu theo hướng chính ngạch, giữ vững thị trường.

Trước những yêu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chú trọng phát triển sản xuất, liên kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô hàng hóa, cấp mã số vùng trồng, nuôi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói đã được cấp và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì bao gói, nhãn mác sản phẩm đáp ứng với quy định và thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Các nông sản chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đòi hỏi phải thúc đẩy tiêu thụ trong nước bằng chuỗi phân phối hoặc chế biến để vượt qua những rào cản trong xuất khẩu tươi. Chế biến là con đường giải quyết những nút thắt về rào cản. Do đó, nông sản Việt cần phải áp dụng công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến.

Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch nên các mặt hàng khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đáp ứng được các điều kiện, quy định và tiêu chuẩn của thị trường này. Cùng với việc nỗ lực mở cửa cho từng mặt hàng, các ngành chức năng đang tích cực hướng dẫn địa phương, nông dân sản xuất đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc hiện chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, tuy nhiên đã giảm 4,9% so với mức tỷ trọng của 7 tháng đầu năm 2018. Đối với một số mặt hàng, dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang giảm, các bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, thị trường Trung Đông và châu Phi. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vừa có hiệu lực, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thủy sản, gạo, rau quả chất lượng cao sang thị trường này.

Các cơ quan chức năng dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như: EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...