Dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống tại Bắc Ninh
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh, hiện tỉnh có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với 1.120 doanh nghiệp, hơn 320.000 công nhân (chưa bao gồm 100.000 lao động trong các cụm công nghiệp, doanh nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp). Năm 2020, riêng khu công nghiệp đã đóng góp 1.162 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm 86% toàn tỉnh), nộp ngân sách 11,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 40%). Hiện có nhiều tập đoàn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện đầu tư, hoạt động sản xuất quy mô lớn tại tỉnh, điển hình như: Samsung, Canon, Foxcon... Đóng góp của giá trị sản xuất khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
Là tỉnh có mật độ dân số đông, sản xuất công nghiệp lớn, nhiều công nhân, lại chủ yếu lao động ngoài tỉnh (240.000 lao động của 21 tỉnh) nên có hoạt động giao thương lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất điện tử, không gian hẹp, kín... Đồng thời, tỉnh nằm tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang (đang có số ca nhiễm lớn trong khu công nghiệp) và thành phố Hà Nội, đây là những yếu tố lớn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Tính đến ngày 2/6/2021, 8/8 huyện, thành phố đã có ca bệnh với 150 ổ dịch. Ca bệnh đã xuất hiện cả trong cộng đồng (715 ca, chiếm 76% số ca) và đang có sự dịch chuyển vào doanh nghiệp (219 ca). Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp quy mô lớn, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện trên 195.000 lao động đã ngừng việc, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn (trong đó nhiều lao động là người dân tộc thiểu số).
Kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Bắc Ninh
Tại Thông báo số 152/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc; chủ động dự báo sớm và sát diễn biến tình hình dịch; cần có giải pháp tăng cường, chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ kiểm soát dịch bệnh cả trong cộng đồng và trong doanh nghiệp, cố gắng cao nhất không để bùng phát trong doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp... Tiếp tục thực hiện phương châm lấy tấn công là chủ yếu theo tinh thần thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; thực hiện chiến lược tiêm phòng vaccine là nhiệm vụ quan trọng, mang tính dài hạn.
Khẩn trương tổ chức, triển khai hoàn thành tiêm số lượng vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ, đúng tiến độ. Bộ Y tế tiếp tục rà soát để bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, kịp thời bổ sung vaccine cho tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Y tế, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho Tỉnh với phương châm "Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm... không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách" và phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm "phòng ngừa chủ động, tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hỗ trợ bổ sung 500.000 test nhanh kháng nguyên cho tỉnh Bắc Ninh.