Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Thanh Hóa: Bước tiến vững chắc trên đà phát triển

Giai đoạn 2010 - 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa bình quân hàng năm đạt 11,4%, cao nhất từ trước đến nay, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tính riêng năm 2015, địa phương cũng gặt hái được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực: GDP đạt gần 35.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010, xếp thứ 8 cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần so với 2010, tăng nhanh hơn so với mức tăng trung bình của cả nước. Đó là cơ sở vững chắc để Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhiều tiềm năng…  

Thanh Hoá được thiên nhiên ưu đãi có ba vùng, miền rõ rệt (miền núi, trung du và miền biển); đường giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, đây là một trong những thế mạnh và tiềm năng của tỉnh trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Với thành tích đạt được trong giai đoạn 2010 - 2015, đặc biệt kết quả trong năm 2015 đã thể hiện rất rõ bước tiến vững chắc trên đà phát triển của địa phương: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4% vượt mục tiêu đề ra, giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,24 lần so với năm 2010. Công nghiệp, xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 13,7%/năm, năm 2015 giá trị ngành công nghiệp gấp 1,94 lần, ngành xây dựng gấp 2,1 lần so với năm đầu kỳ. Các ngành dịch vụ chuyển biến tích cực cả về quy mô, loại hình và chất lượng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,9%, giá trị sản xuất năm 2015 tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, năm 2015 đặt mục tiêu đến năm 2020 địa phương sẽ phát triển thành tỉnh khá của cả nước.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán, tốc độ tăng thu trung bình đạt 11,8%/năm, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt 8,3%/năm, tổng thu ngân sách giai đoạn 2011- 2015 gấp 2,5 lần giai đoạn trước, vượt mục tiêu đề ra. Các thành phần kinh tế tại địa phương cũng phát triển đa dạng, kinh tế nhà nước được sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động có hiệu quả hơn, kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2015, đạt tỷ lệ 23,5 doanh nghiệp/1 vạn dân, tăng 10,21 doanh nghiệp so với năm 2010, doanh thu giai đoạn này tăng gấp 2,1 lần so với giai đoạn trước, nộp ngân sách nhà nước gấp 2,58 lần và chiếm 57% tổng thu nội địa … Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương chuyển dịch đúng hướng, gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được cải thiện mạnh mẽ, đã huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt kế hoạch, nhiều dự án lớn được khởi công, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) của địa phương đều tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Đáng chú ý, công tác vận động, xúc tiến đầu tư ở Thanh Hóa có nhiều đổi mới, đặc biệt là việc gắn hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài được tổ chức.

Trong giai đoạn 2010- 2015, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 560 dự án đầu tư (25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng và 2,56 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn 32 dự án FDI với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI tại địa phương lên 59 dự án, tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư giai đoạn này của Thanh Hóa đạt 322.936 tỷ đồng, vượt 4,2% mục tiêu đề ra, gấp 3,8 lần giai đoạn trước.

Có thể thấy, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn ngân sách, tăng nhanh vốn FDI, vốn tín dụng, vốn dân cư và các thành phần kinh tế khác. Các dự án lớn như: Đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, đường vành đai phía tây TP. Thanh Hóa, Cảng hàng không Thọ Xuân, sân golf và Khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC… hay các công trình văn hóa lớn như: Chính điện Lam Kinh, đền thờ Mẹ VNAH và các AHLS, TT Triển lãm, Nhà hát Lam Sơn, Thư viện tỉnh… tất cả đều đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng.

Khu kinh tế Nghi Sơn.

 

Nắm bắt thời cơ, đột phá phát triển

Để có sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn vừa qua, Thanh Hóa đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời có hiệu quả của Trung ương và các bộ, ngành. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trên đà phát triển bền vững, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thanh Hóa đang có những bước đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Địa phương cũng huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Giai đoạn 2015 – 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm trở lên; phấn đấu đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD/năm trở lên, cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 12%, công nghiệp - xây dựng chiếm 53,7%, ngành dịch vụ chiếm 34,3%; tổng giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trở lên; tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn; huy động vốn đầu tư trong 5 năm đạt 610.000 tỷ đồng. Địa phương sẽ giải quyết việc làm mới cho trên 330.000 người trở lên; tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70% trở lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 2,5%. 

Từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa sẽ đột phá phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc…ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu CN Lam Sơn - Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực.

Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

 Từ 2010 - 2015, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động, trong đó có 45.800 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4,15% giảm xuống 3,7% , tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn từ 7,3% giảm xuống 6,7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,57%/năm.