Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn tuy nhiên chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ (có 519.909 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ), đặc biệt trong những tháng cuối năm 2019 để bù đắp thiếu hụt lượng thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn gia cầm của tỉnh đã tăng mạnh đạt khoảng 23 triệu con đứng thứ 4 cả nước sau Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai.
Công tác tiêm phòng vắc xin các loại gà thịt, vịt thịt thường đạt rất thấp do chu kỳ nuôi ngắn như gà, vịt thương phẩm nuôi chỉ từ 42 - 45 ngày tuổi là xuất chuồng nên người chăn nuôi thường né tránh chấp hành tiêm phòng vắc xin. Đồng thời, do trong nhiều năm qua không xảy ra dịch cúm gia cầm nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan ở một số bộ phận người chăn nuôi dẫn đến không thực hiện tiêm phòng.
Từ ngày 3/2, tại một số hộ dân ở huyện Nông Cống xảy ra tình trạng gia cầm gồm gà, vịt, ngan bị chết hàng loạt. Cụ thể tại các hộ: ông Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Sỹ, Viên Hữu Cường, Lê Thanh Mão, Lê Gia Lực, Lê Thanh Giang, Lê Đình Hiếu, Lê Thanh Vương, Nguyễn Hữu Chinh, của 3 thôn, thuộc 2 xã Tân Khang, Tân Thọ, huyện Nông Cống. Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6. Tiếp đó, lực lượng chức năng buộc phải tiêu hủy 19.803 con gia cầm (416 gà, 19.387 vịt, ngan).
Đến ngày 4/2, tại huyện Quảng Xương, bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã xảy ra tại hộ ông Vũ Ngọc Việt, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 3.280 con gia cầm (2.500 con vịt; 780 con gà).
Đến thời điểm ngày 10/2, toàn tỉnh buộc phải tiêu hủy hơn 23.000 con gia cầm (chủ yếu là ngan, gà, vịt) tại 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương. Dịch cúm gia cầm A/H5N6 sau đó cũng lan ra các địa phương như Vĩnh Lộc, Như Xuân và TP Thanh Hóa.
Tính đến 16 giờ ngày 23/2, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiêm phòng dịch cúm, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tiêm các vắc xin phòng cúm cho 7.133.600 con gia cầm, đạt tỷ lệ 59,71% tổng số lượng gia cầm diện tiêm phòng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng cúm cho đàn gia cầm. Ngoài thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, các huyện tổ chức tiêm phòng bảo đảm tiến độ, đạt tỷ lệ cao gồm: Như Xuân, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát, Hậu Lộc. Dù vậy, một số địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, nhưng tiến độ tiêm phòng chậm, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp như các huyện: Hà Trung mới tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm đạt tỷ lệ gần 25%; Thạch Thành đạt gần 31%; Yên Định, Thiệu Hóa đạt tỷ lệ gần 35%.