Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Việt Nam - thành tựu và thách thức trong hội nhập

Cùng với quá trình mở cửa, chủ động hội nhập, các hoạt động kinh tế đối ngoại Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu.

Niềm vui người thợ.                       Ảnh: Mạnh Hùng    


 Những thành tựu đáng ghi nhận

Cùng với quá trình mở cửa, chủ động hội nhập, các hoạt động kinh tế đối ngoại Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu. Hiện ngoài WTO, Việt Nam đã ký 12 FTA (có 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN); tham gia trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; kết thúc đàm phán FTA Việt Nam EU và TPP. Từ 2011 - 2015, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8/15 nước đối tác chiến lược đã được xây dựng trong 15 năm qua, nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện hoặc sâu rộng với 2 nước, lập quan hệ đối tác toàn diện với 3/10 nước đối tác toàn diện, trong đó có cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện Việt Nam được 60 nước đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường. Với những hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam có quan hệ sâu rộng với 55 nước đối tác, trong đó có 15/20 nước G20, chiếm tới 65% GDP và 50% thương mại của thế giới, mở ra nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại.

Xuất khẩu gạo tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh).

Hiện Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 250 tỷ USD FDI. Khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng xuất khẩu thô. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô xuất khẩu năm 2016 cao gấp khoảng 130 lần năm 1985. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng nhanh và hiện cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp 3 lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới.

 Hàng năm, Việt Nam có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh. Việt Nam đã đạt trạng thái xuất siêu 3 năm liền từ 2012 - 2014 và tiếp tục xuất siêu năm 2016.  Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt  trên 78 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10  nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, tổng cộng giai đoạn từ 1991 đến nay đạt trên 92 tỷ USD, từ trên 167 nước, vùng lãnh thổ; với  trên 12 tỷ USD năm 2015.

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu.             Ảnh: MD    

Từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh. Đến đầu năm 2015, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 1000 dự án, tổng vốn 19,78 tỷ USD; tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông, lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%).

Động lực tăng trưởng ngày càng được tỏa ra từ sự cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm nhẹ gánh nặng chi phí tài chính; giảm nợ xấu, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng, nhất là lãi suất; tăng sức mua thị trường và giảm chi phí nguyên, nhiên liệu và kinh doanh đầu vào và các chi phí thể chế khác cho doanh nghiệp; làm tốt công tác bình ổn và lưu thông hàng hóa tốt; ổn định thị trường ngoại hối; mở rộng tự do hóa và quản lý cạnh tranh lành mạnh... Việt Nam hiện chỉ còn 6 lĩnh vực hạn chế đầu tư và giảm số giờ nộp thuế thực tế cho DN từ 537 giờ/năm xuống còn 110 giờ/năm. Hiện hơn 98% các DN đã kê khai thuế qua mạng; trên 80% DN đã nộp thuế theo phương thức điện tử; hơn 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử. Việt Nam tăng 9 bậc so về  chỉ số Môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố và tăng 14 bậc trong Báo cáo về thương mại qua biên giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện mới đây...

Nhiều thách thức cần vượt qua

Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững vì vẫn phải dựa vào vốn, phụ thuộc vào tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ, tăng trưởng nhờ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là vấn đề về tăng năng suất lao động. Số lượng doanh nghiệp còn rất mỏng và ít so với yêu cầu; Nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ;  đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo (12%) trong đồng bào dân tộc (15% dân số cả nước) còn cao;  hơn 50% hộ nghèo cả nước; tái nghèo lớn (12%) theo chuẩn đa chiều từ 1/1/2016. Vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn xã hội, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều bức xúc. Nguy cơ vô sinh và ung thư cao bất thường. Thách thức lớn nhất là phải khai thác hiệu quả những cơ hội từ hội nhập khi đã tham gia Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật, sở hữu, xuất xứ nội khối, phát triển hạ tầng và thể chế; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội...).

Các doanh nghiệp sẽ đối diện với sự gia tăng áp lực cạnh tranh và mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, cùng với những rủi ro và chi phí cao hơn về các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị nội bộ. Nợ xấu và hàng tồn kho những sản phẩm kém cạnh tranh hoặc thiếu đổi mới công nghệ, thiếu thân thiện với môi trường và với con người... sẽ còn là gánh nặng với không ít doanh nghiệp kém năng động.Quy tắc xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đồng thời khiến gia tăng các chi phí, giảm cơ hội cải thiện thu nhập và khả năng cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của nhiều ngành sản xuất trong nước. Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đứng trước nhiều áp lực đáp ứng các chuẩn mực nền kinh tế thị trường, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi đồng tiền, các quyền thỏa thuận mức lương lao động, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền kiểm soát nhà nước đối với các tư liệu sản xuất và sự phân bổ các nguồn lực...

Những ngành còn khó khăn sẽ liên quan nhiều đến kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các doanh nghiệp nhà nước trì trệ, chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ và cả năng lực quản trị.  Ngành chăn nuôi (nhất là lợn, gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng) trong nước sẽ tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh giảm giá từ sản phẩm ngoại nhập và sự gia tăng các chi phí đầu vào, cũng như sự nâng cao các hàng rào kỹ thuật, nếu không có những đổi mới về công nghệ và mô hình chăn nuôi mới, hiện đại và những hỗ trợ cần thiết phù hợp cam kết hội nhập.

Các dự án FDI, nhất là dệt may có thể thu hẹp lợi ích mà doanh nghiệp trong nước có được từ các FTA; vì vậy, cần quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép.

Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải có sự điều chỉnh rất lớn; co hẹp về những phân khúc không phải cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản (những nước có ngành công nghiệp ô tô tiên tiến và hiệu quả). Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập.

Nhiều thách thức và triển vọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tới đây cũng tùy thuộc vào kết quả thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trọng dụng người tài và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng; giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và doanh nghiệp.

Tin liên quan