Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Băn khoăn đề xuất giảm giờ làm: Cần lộ trình phù hợp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Giảm giờ làm là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là người làm việc trực tiếp tại các nhà máy. Song theo các chuyên gia về lao động, mỗi nền kinh tế khác nhau thì việc giảm giờ làm phải phù hợp với các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của người lao động.

Gốc của tăng lương, giảm giờ làm là năng suất lao động

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, tăng lương, giảm giờ làm là yêu cầu chính đáng của người lao động. Người lao động luôn mong muốn lương tăng, giờ làm giảm để đảm bảo cả về mặt vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế mỗi một nền kinh tế thì phải khác nhau. Ví dụ, với các nước phát triển có năng suất lao động cao, của cải nhiều, việc giảm giờ làm giữ nguyên tiền lương sẽ dễ thực hiện. Một số quốc gia đã áp dụng giờ làm của người lao động xuống 40 giờ/tuần, thậm chí 35 giờ/tuần. 

KCCCHL.JPG
Đầu tư vào công nghệ, tăng năng suất lao động sẽ là điều kiện tiên quyết để giảm giờ làm cho người lao động.

“Điều đó khiến người lao động được hưởng lợi. Ngoài thời gian làm việc, người lao động có thời gian dành cho gia đình, tái tạo sức khỏe, nâng cao trí tuệ thể chất tinh thần.

Còn những nước đang phát triển thì mỗi nước áp dụng một khác bởi gốc của việc giảm giờ làm phải là tăng năng suất lao động. Còn khi năng suất lao động không tăng thì đương nhiên giảm giờ làm đi với lương giảm”, ông Phạm Minh Huân nói.

Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, trong Bộ luật Lao động không cấm doanh nghiệp giảm giờ làm. Doanh nghiệp nào áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao được năng suất lao động để giảm giờ làm thì Nhà nước hoàn toàn ủng hộ.

Nhưng nếu ngay bây giờ giảm giờ làm xuống dưới 48 đến 40 giờ/tuần như khu vực công thì nhiều doanh nghiệp chưa chịu được vì năng suất lao động Việt Nam tuy đã tăng nhưng so với khu vực xung quanh vẫn ở mức khiêm tốn. 

“Nếu bắt doanh nghiệp đồng loạt phải giảm giờ làm thì buộc họ phải giảm lương, phúc lợi xã hội, lấy thêm lao động, dẫn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm, nhất là các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, chế biến thủy hải sản…

Do vậy, việc này phải rất cân nhắc, tính toán tất cả yếu tố từ năng suất lao động, nền kinh tế và xã hội”, ông Huân nói. 

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc tăng lương, giảm giờ làm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: Sự phát triển kinh tế, năng suất lao động, điều kiện về công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong doanh nghiệp, thu nhập, mức sống và các nhu cầu về thời gian làm việc và nghỉ ngơi của lao động.

Hiện, khu vực công đã giảm từ 48 xuống 40 giờ/tuần, còn khu vực dịch vụ lại tăng thời gian làm việc. 

“Tăng cường thời gian nghỉ ngơi giúp người lao động có thể tái tạo sức khỏe, có thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên với điều kiện hiện nay, kéo dài thời gian làm việc cũng chính là giải pháp để tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Nhưng nó chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh công nghệ sản xuất còn hạn chế, trình độ sản xuất chưa cao.

Đến khi doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, năng suất lao động tăng đảm bảo cho việc không cần tăng thời gian vẫn có một sản lượng nhất định đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thì việc tăng lương giảm giờ làm là xu hướng phù hợp, nhân văn với người lao động”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.

“Trải qua mấy năm Covid-19, sản xuất khó khăn, kinh tế thế giới có nhiều biến động, nếu yêu cầu giảm giờ làm luôn sẽ tạo ra những thách thức với doanh nghiệp khi chi phí tăng, năng suất không tăng, đẩy khó cho doanh nghiệp. Khi gặp khó, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất thì lúc đó lại lợi bất cập hại, người lao động có thể mất việc.

Do đó, trong điều kiện hiện nay, người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp chờ đến khi năng suất lao động tăng thì xem xét giảm giờ làm mới thỏa đáng và giúp doanh nghiệp trụ vững sản xuất”, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phân tích.

Không bắt buộc doanh nghiệp giảm giờ làm khi năng suất lao động còn thấp

Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), để đảm bảo công bằng cho người lao động ở tất cả khu vực thuộc thành phần kinh tế, việc đề nghị giảm thời gian làm việc khu vực doanh nghiệp là bình thường và phù hợp với thế giới.

Điều đó sẽ giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Và khi giảm giờ làm và lương vẫn giữ nguyên, tức là người lao động được tăng lương trên thực tế.

Đặc biệt, người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn cũng sẽ tạo ra lượng tổng cầu tiêu dùng lớn hơn, kích thích sự phát triển các dịch vụ khác xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đó là chưa kể khi rút ngắn thời gian lao động, người lao động sẽ làm việc năng suất hơn, chất lượng hơn, trách nhiệm hơn và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cũng như duy trì được sản lượng theo nhu cầu.

Tuy nhiên, vấn đề là cần tạo ra lộ trình phù hợp và đưa điều đó vào trong thỏa ước lao động để tạo ra sự đồng thuận chung, không làm ảnh hưởng tới hoạt động đặc thù của các doanh nghiệp. 

“Không nên áp dụng đồng loạt mà nên cho phép doanh nghiệp tự quyết định dựa trên thỏa thuận với người lao động để tránh ảnh hưởng đến các hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng tiêu thụ hàng hóa đã được ký kết.

Như vậy, cần có sự điều chỉnh về giờ làm thêm và sự linh hoạt trong phân bổ thời gian lao động của doanh nghiệp, tùy vào hợp đồng, tùy vào đặc điểm của ngành nghề trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh việc đưa ra một lộ trình phù hợp và linh hoạt khi thực hiện, doanh nghiệp cũng nên có thêm những chính sách phúc lợi cho người lao động như điều chỉnh về giờ làm thêm cũng như tăng thu nhập theo giờ cho người lao động, khi đó các mục tiêu sẽ hài hòa hơn.

Với tất cả yếu tố đó, tôi cho rằng nếu dùng áp lực của luật pháp để giảm giờ làm thì chưa nên nhưng theo xu hướng của thế giới thì chúng ta nên khuyến khích và đưa ra sự lựa chọn linh hoạt cho doanh nghiệp thực hiện”, TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, về mặt nguyên lý thì khi năng suất lao động tăng đi kèm với sự tiến bộ của xã hội, xu hướng là giảm thời gian lao động để tăng phúc lợi và tăng thời gian để người lao động phát triển, nâng cao trình độ, tay nghề, tái sản xuất sức lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao mà đã nghĩ đến giảm thời gian lao động thì có thể sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và sẽ làm năng suất lao động thấp đi. Do vậy, chúng ta phải có lộ trình giảm giờ làm phù hợp đi kèm với quá trình cải tiến về công nghệ, kỹ thuật và mức tăng của năng suất lao động.

“Trong thời gian trước mắt, nên phân loại các đối tượng, nhóm lao động đang phải làm việc trong môi trường đã có sự thay đổi lớn về công nghệ, kỹ thuật hoặc có cường độ lao động cao mà năng suất lao động đang có sự gia tăng thì có thể tính đến việc giảm thời gian làm trước.

Thứ hai là những đối tượng cần có sự ưu tiên để tái sản xuất sức lao động cũng có thể áp dụng.

Còn nếu đồng loạt thực hiện giảm giờ làm trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam đang thấp so với thế giới và công nghệ chưa có cải tiến nhiều, cũng chưa có sự thay đổi lớn về áp lực công việc mà thu nhập của người lao động còn đang ở mức rất khiêm tốn thì có thể gây ra những tác động chưa hẳn tích cực”, ông Cường nói.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ. Khảo sát trong 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần, 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 thực hiện dưới 48 giờ.

Bảo Châu - Nguyễn Síu

Báo Lao động Xã hội số 65

 

Tin liên quan
Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

(LĐXH) - Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt, giá thuê nhà cao… là lý do rất nhiều công nhân mong muốn được tăng lương để có tiền trang trải cuộc sống...
Gieo mầm xuân cho tương lai

Gieo mầm xuân cho tương lai

(VTE) - Tết Trồng Cây không chỉ giúp thiên nhiên xanh tươi hơn mà còn dạy các em yêu lao động, bảo vệ môi trường và ghi nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...
Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

(LĐXH) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, trước tết, Bộ đã có dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải...