Tình trạng nghèo đói kéo dài và ở mức cao trong các nhóm dân tộc thiểu số là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến các hộ DTTS dễ bị tổn thương.
Nhận thức được điều này, Chính phủ đã xác định tăng tốc giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế xã hội ở các vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi là một ưu tiên chính trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Chính phủ có tham vọng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (CTMTQG) sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong 10 năm tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và Miền núi. "Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025) được Quốc hội phê duyệt ở mức tối thiểu là hơn 137 ngàn tỷ đồng. Có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công tác dân tộc". Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cam kết, Uỷ ban Dân tộc sẽ nỗ lực hết mình, cam kết sử dụng nguồn tài chính hợp lý, hiệu quả để đạt được mục tiêu của Dự án.
Phát biểu tại Lễ công bố, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội thử nghiệm, đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm để thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. UNDP sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc, các tỉnh thành của Việt Nam trong quá trình này.
Ở cấp quốc gia, dự án "Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2020-2025" sẽ hỗ trợ tạo ra không gian đổi mới và hệ thống khuyến khích và trách nhiệm giải trình đối với việc đạt được các kết quả của Chương trình, được mong đợi là một sự chuyển đổi đáng kể so với hệ thống hiện tại, trong đó chú trọng việc tuân thủ các quy tắc cứng nhắc và phân phối đầu ra. Ở cấp địa phương, các tỉnh Sơn La và Lào Cai sẽ hỗ trợ đồng bào DTTS, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và nhân rộng các giải pháp đã được thử nghiệm thành công để tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng.
Dự án sẽ dựa trên những thành công của các sáng kiến của UNDP tại Bắc Kạn và Đắk Nông, thông qua đó các hợp tác xã do phụ nữ DTTS làm chủ ứng dụng sàn thương mại điện tử, tiếp thị điện tử và các công cụ thanh toán điện tử và lợi thế của các sản phẩm hữu cơ và truyền thống của địa phương để mở rộng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19. Những mô hình kinh doanh mới như vậy cũng giúp phụ nữ DTTS chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi số và phục hồi kinh tế xã hội sắp tới. Dự án cũng sẽ được thực hiện dựa trên các thí điểm của Chương trình GREAT về du lịch sinh thái và kết nối phụ nữ DTTS trong các hệ thống dịch vụ thị trường ở Sơn La và Lào Cai và các thí điểm của các đối tác phát triển khác.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: "Australia cam kết hợp tác với các đối tác để hỗ trợ công cuộc tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam. Mối quan hệ đối tác UNDP- Ủy ban Dân tộc mà chúng tôi hỗ trợ và khởi động ngày hôm nay là một phần của cam kết dài hạn nhằm đảm bảo rằng: Các giải pháp mới và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo được lồng ghép và nhân rộng trong chương trình và chính sách của Chính phủ vì lợi ích của người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả phụ nữ và nam giới thuộc các nhóm dân tộc thiểu số ".
Bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng, với tầm nhìn phát triển chung, chính phủ cam kết và thúc đẩy đổi mới, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần sáng tạo sẽ biến CTMTQG trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các vùng và cộng đồng DTTS, không để ai bị bỏ lại phía sau. UNDP sẵn sàng hợp tác với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và các tỉnh để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và đồng bào DTTS trong nỗ lực quan trọng này.