Ổn định kinh tế - xã hội trong tình hình dịch COVID-19
Trong 4 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 đã tác động toàn diện đến kinh tế toàn cầu và trong nước. Tại Thanh Hoá, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống người dân, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá, với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được kiểm soát tốt, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác an sinh xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên từ tháng 4 trở đi, những khó khăn, tác động của dịch COVID-19 đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội đã bộc lộ rõ nét. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng trực tiếp, giảm mạnh so với cùng kỳ như: Trong quý I, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 10,5%; xuất khẩu giảm 49,4%; tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ đã đặt tại các công ty lữ hành lên tới 95-100%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 38,4%; doanh thu vận tải giảm 50,1%; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm ngắn hạn. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm. Song do tình hình dịch bệnh nên đã hạn chế việc các đoàn làm việc tới tìm hiểu, xúc tiến và triển khai các dự án.
Trước tình hình trên, tình Thanh Hoá cũng đã xác định rõ những khó khăn Tình hình thu ngân sách từ nay đến cuối năm sẽ gặp khó khăn, tổng thu ngân sách dự ước giảm khoảng 1.850 tỷ. Bên cạnh đó, ngân sách đang cần cân đối hơn 2.000 tỷ để chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do vậy, để bảo đảm cân đối nguồn thu - chi của địa phương trong năm, đề nghị sẽ cắt giảm một số lĩnh vực chi thường xuyên của các ngành để bảo đảm hỗ trợ an sinh xã hội. Đồng thời, sẽ tập trung thu nợ đọng nguồn thu từ thuế sử dụng đất.
Vì vậy, trong thời gian tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời với bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, và luôn đảm bảo công tác An sinh xã hội cho mọi người dân chính là thực hiện mục tiêu kép đối với tỉnh Thanh Hoá.
Thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh cũng phải xác định tinh thần "sống chung cùng dịch", không chủ quan, lơ là, tiếp tục quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch".
"Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng. Ngành Nông nghiệp luôn được xác định là điểm tựa của kinh tế và đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, do đó trong bối cảnh này, phải tập trung quyết liệt chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chú ý công tác phòng dịch bệnh cho vụ xuân hè, tập trung cao thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh, hỗ trợ ngư dân nuôi trồng thủy sản. Về sản xuất công nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các ngành công nghiệp đóng góp lớn về giá trị sản xuất và ngân sách như: Lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện. Với các doanh nghiệp may mặc, giầy da, ngành Công thương cần tiếp tục bám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng thị trường để duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng cho biết thêm.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thanh Hoá yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh vừa huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội cho nhân dân, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời giao cho Sở Tài chính tổ chức Hội nghị tăng cường công tác thu trong thời gian tới, tham mưu cho UBND tỉnh cơ cấu lại, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên để dành nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng cho biết thêm.
"Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tỉnh đã giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu Nghị quyết 42 về chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, đề xuất UBND tỉnh những nội dung cần thiết. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động, chú ý triển khai công tác hỗ trợ khẩn trương, chặt chẽ về pháp lý và không phát sinh tiêu cực" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế
Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong năm 2020, góp phần hoàn thành vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong đó, ưu tiên tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đặc biệt sẽ nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, đạt 90% công suất trở lên; nhà máy sản xuất dầu ăn, thép Nghi Sơn và các nhà máy xi măng, thủy điện, giày da, may mặc hoạt động đạt công suất thiết kế; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhất là các dự án quy mô lớn để nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.
Chủ động đấu mối, làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty có các doanh nghiệp thành viên đóng trên địa bàn tỉnh để được giao tăng chỉ tiêu, nhất là các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh như: Xi măng, bia, thuốc lá, điện sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường; chủ động tham gia và tận dụng thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo tác động lan tỏa cho ngành công nghiệp, như: Sản phẩm sau lọc hóa dầu, công nghiệp điện tử, ô tô, dược phẩm, sản xuất các chế phẩm sinh học; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp phụ trợ ngành may, giày da; sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thu hút ở mức độ hợp lý ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động ở khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư.