Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

TP Thanh Hoá: Hướng đến đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển

(Dân Sinh) - Trong mấy năm gần đây sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của TP Thanh Hoá đã có nhiều bước tiến mang tính đột phá. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, TP Thanh Hoá thực sự đã chuyển mình với những "cú hích" ngoạn mục. "Với sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP Thanh Hoá đã thực sự chuyển mình. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, khởi công các dự án… là vùng đất đầy tiềm năng thu hút đầu tư. Sớm xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển…" Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá Trịnh Huy Triều cho biết.

 Phát huy thế mạnh, tiềm năng

Thành phố Thanh Hoá là trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ - Nam Bắc Bộ. Ngoài việc tự phát huy nội lực để đầu tư xây dựng và phát triển, thành phố còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua các chủ trương, các định hướng phát triển, các chương trình, đến các dự án đầu tư mang tính chiến lược cấp vùng và cấp quốc gia. Những năm qua, thành phố Thanh Hóa luôn phát huy thế mạnh, nội lực, đoàn kết xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ; đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị.

TP Thanh Hoá: Hướng đến đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển - Ảnh 1.

Một góc TP Thanh Hoá về đêm

Năm 2020, hệ thống hạ tầng đô thị phát triển nhanh, được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Nhiều tuyến đường giao thông chính, giao thông hướng ngoại của đô thị được đầu tư xây dựng mới. Mặt khác, nhiều tuyến đường phố trong nội thành cũng được cải tạo, mở rộng, nâng cấp; hạ tầng khu dân cư được chỉnh trang, kết nối giao thông các khu đô thị mới được xây dựng, tạo nên những không gian đô thị khang trang hơn. Chất lượng đô thị của thành phố được nâng lên rõ rệt. Không gian kiến trúc đô thị không ngừng đổi mới theo hướng hiện đại hơn.

Năm 2020, và những tháng đầu năm 2021 tình hình kinh tế trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tốc độ tăng giá trị sản xuất tuy không đạt kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ. Nhưng vẫn tăng trưởng từng bước vững chắc, quy mô kinh tế thành phố ngày càng mở rộng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

TP Thanh Hoá: Hướng đến đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá Trịnh Huy Triều cho biết: "Trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 43,75% của cả tỉnh; tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020 ước đạt 143.000 tỷ đồng, chiếm 23,44%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4%; thành lập mới 6.200 doanh nghiệp, chiếm 44% của cả tỉnh; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,69 lần trung bình cả tỉnh; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII".

Thu hút đầu tư

TP Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm động lực của tỉnh Thanh Hoá đã được nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn, với những dự án được nghiên cứu bài bản dựa trên nhu cầu, tiềm năng thực tế. Điển hình như khu vực phía Bắc TP Thanh Hóa, sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản như Tập đoàn T&T, liên danh Công ty CP Eurowindow Holding… đã tạo sức nóng cho khu vực này. Theo đó, vào cuối năm 2019 Tập đoàn T&T đã báo cáo ý tưởng quy hoạch 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP. Thanh Hóa và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại cửa ngõ phía Bắc TP. Thanh Hóa.

TP Thanh Hoá: Hướng đến đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển - Ảnh 3.

Để giảm sức ép cho phát triển công nghiệp trong nội thành, TP Thanh Hóa cũng đang tiếp tục quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp gần thành phố. Tổng diện tích khu vực lập đề án cho KCN này là 800 ha, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, tương thích với nền "công nghiệp 4.0". Hạ tầng KCN này cũng sẽ được phát triển theo hướng kết hợp cả phát triển đô thị, tái định cư, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc. Đây cũng chính là đô thị vệ tinh với mục đích kéo giãn dân cư tại các khu trung tâm của TP Thanh Hóa về phía Bắc, tạo vệ tinh lan tỏa và mang kỳ vọng khơi dậy các tiềm năng sẵn có, tận dụng tối đa các lợi thế nhằm phát triển toàn khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố và các huyện lân cận.

Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 34.453 tỷ đồng, tăng 1,3% so với kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ Trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đang triển khai một số dự án lớn. Thu hút các dự án trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư vào Thành phố Thanh Hoá.

Trong những năm gần đây, TP Thanh Hóa đã thực sự chuyển mình, khẳng định sự Vươn lên một tầm cao mới của Thành phố trung tâm của xứ Thanh. Sự năng động là sức hút, là động lực để TP Thanh Hoá luôn hội tụ và tỏa sáng. TP Thanh Hóa ngày càng đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn trong con mắt của bạn bè trong nước và quốc tế. Sau nhiều năm đổi mới, Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh Thanh Hoá.

Sớm xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại và phát triển

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, với mạng internet và viễn thông phát triển mạnh mẽ, với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo thì xu thế xây dựng và phát triển thành phố thông minh là tất yếu. Để giải quyết các khó khăn, thách thức đối với thành phố Thanh Hoá trước mắt và lâu dài; xứng đáng với vai trò là một cực tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị; đồng thời phù hợp với xu thế thời đại và tình hình mới thì yêu cầu xây dựng thành phố Thanh Hóa thông minh là hết sức cần thiết.

Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng để thành phố giải quyết các khó khăn, thách thức, bứt phá lên một tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh của thành phố; giúp thành phố tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên; sẽ làm cho chất lượng sống của người dân được nâng cao, các dịch vụ được tối ưu hóa, môi trường sống trong sạch; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian trong sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự được đảm bảo và tăng cường, thành phố thông minh sẽ đưa thành phố phát triển bền vững.

Theo quy hoạch chung phát triển đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, TP. Thanh Hoá mở rộng sẽ là một vùng đô thị tổng hợp với các động lực phát triển là công nghiệp và dịch vụ.  Để nâng cao chất lượng đô thị, giai đoạn 2026-2030, TP Thanh Hóa sẽ phát triển và nâng cao chất lượng không gian trung tâm đô thị, xây dựng hoàn thiện các trục giao thống chính của đô thị, thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các quỹ đất hiện có. Đồng thời phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị, tuyến giao thông công cộng và các loại hình giao thông đường thủy để tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực, hệ thống hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1.

"Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, trong đó có mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hoá quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh đứng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại" - Chủ tịch Trịnh Huy Triều nhấn mạnh.