Lập trình sân chơi mới
Tại sự kiện, tọa đàm quốc tế về một sân chơi mới vốn sẽ định hình lại toàn cảnh thị trường kinh doanh và nguồn nhân lực, cũng như những biến số có tác động mạnh mẽ đến sự thành công của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.
Tọa đàm xoay quanh sự chia sẻ tầm nhìn về chính sách nhân sự, chiến lược nhân sự và cách thức để "nắm giữ" trái tim người lao động cống hiến cho công ty thay vì "nhảy việc".
Các diễn giả của tọa đàm là những CEO tại các doanh nghiệp hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhằm mang lại góc nhìn đa chiều bao gồm: Ông Andy Han Suk Jung - CEO SonKim Land, ông Ganesan Ampalavanar - Giám đốc điều hành Nestlé Việt Nam, ông Huỳnh Hữu Khang - Giám đốc điều hành FWD Việt Nam và ông Jeffrey Alan Fielkow - Giám đốc điều hành Tetra Pak Vietnam.
Chia sẻ về yếu tố nào giúp doanh nghiệp thành công trong tương lai, diễn giả Ganesan Ampalavanar, Giám đốc điều hành Nestle: Sân chơi mới - luật chơi, trò chơi, khách hàng hay nhân viên, đó là những yếu tố tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng nữa là chúng ta nên phân biệt rõ, khách hàng đang cần và muốn gì, từ đó cung cấp thứ họ thật sự muốn.
Diễn giả ông Jeffrey Alan Fielkow - Giám đốc điều hành Tetra Pak Vietnam nhận định, sự gắn kết giữa khách hàng với sản phẩm, phản hồi, sự gắn kết của nhân viên là một phần tạo ra sản phẩm và bền vững của công ty. Sử dụng công nghệ để đảm bảo năng suất đó là một trong những yếu tố tạo thành công của doanh nghiệp.
"Thế giới đang chuyển động và chuyển biến không ngừng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự thay đổi liên tục để thích ứng và phát triển. Cùng với dòng chảy công nghệ trong cuộc sống, người lao động đang đặt ra nhiều đòi hỏi về sự hiện diện và cải tiến công nghệ ngay trong chính tổ chức của mình. Tuy nhiên, dù công nghệ tạo ra những đột phá mới mẻ trong doanh nghiệp, yếu tố con người vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong chiến lược nhân tài", ông Jeffrey Alan Fielkow cho biết.
Làm gì để thu hút nhân sự, nhân tài?
Theo các diễn giả, kỷ nguyên công nghệ đang cùng lúc tạo ra cơ hội và cả thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình nâng tầm và quản lý nguồn lực của mình. Khi công nghệ lên ngôi và trở thành cánh tay đắc lực trong công tác vận hành, hỗ trợ và dần thay thế một số vai trò của con người trong tổ chức thì việc quản trị nguồn nhân lực dần trở thành tâm điểm chủ chốt trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Khi xét đến công tác quản trị nguồn lực vốn là hệ xương sống của bất kỳ một doanh nghiệp nào, công nghệ mang đến những tác động to lớn, đặc biệt với hai chiến lược chủ chốt: Quản trị nhân tài và Nâng cao năng lực lãnh đạo.
Khi hỏi về bí quyết để thu hút nhân tài, ông Huỳnh Hữu Khang, Giám đốc điều hành FWD chia sẻ: Tình hình hiện nay, Việt Nam có rất nhiều nhân tài nhưng họ chủ yếu sang các nước khác để làm việc - nơi có môi trường để họ phát huy năng lực. Vì vậy, để nhân tài chịu làm việc tại mỗi doanh nghiệp, chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát năng lực bản thân và đảm bảo các phúc lợi cho họ.
"Giữ nhân tài, phải tương tác với nhân sự, trả lương cao không có nghĩa là giữ chân được nhân tài, tương tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên. Những yếu tố công nghệ, môi trường làm việc hay đối thủ cạnh tranh là nguyên nhân khiến nhân tài nhảy việc", ông Huỳnh Hữu Khang nhận định.
Ông Andy Han Suk Jung - CEO Sơn Kim Land: Đối với ngành bất động sản, tương tác giữa khách hàng, nhân viên, phân bổ thời gian cho nhân viên là những yếu tố quan trọng đảm bảo được sự bền vững của nhân viên đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, CEO là những người truyền cảm hứng cao, đồng cảm để nhân viên làm việc tại doanh nghiệp.
Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Fulbright nhận định, giới trẻ ngày nay có nhiều đòi hỏi về quyền lợi khi làm việc, đối với lứa tuổi lao động từ 30 đến 45 tuổi thì tiền lương là một trong những yếu tố khiến nhân viên bận tâm nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải dám thay đổi rủi ro, dám đi đầu, biết thông cảm và chia sẻ với nhau, với nhân viên.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet cho rằng, lương bổng, phúc lợi là yếu tố giữ chân nhân viên, phải chăm lo cho nhân viên. Vì vậy, doanh nghiệp phải mang lại lợi ích cho việc phát triển cộng đồng, xây dựng nâng cao ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất để nhân viên cảm nhận và mong muốn đồng hành với doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tạo ra môi trường kết nối, nâng tầm doanh nghiệp để tạo ra quen biết, có tầm nhìn thế giới rộng hơn. Từ đó, nhân viên tự hào về doanh nghiệp, sẵn sàng sáng tạo, cống hiến và thay đổi để phát triển.
Báo điện tử Dân sinh tiếp tục thông tin sự kiện này.