Tại Việt Nam, AI đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong trường học, mang đến những thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cũng cần thận trọng, lường trước những nguy cơ tiềm ẩn.
AI - Xu hướng giáo dục trong thời đại số
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện Đề án này là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, chương trình giảng dạy mới chuyển đổi từ cách tiếp cận dựa trên nội dung sang cách tiếp cận dựa trên năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Chương trình giảng dạy mới giúp trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết để thành công trong thế kỷ 21 như: kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác; Các kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức về công nghệ số.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được học môn tin học từ cấp tiểu học. Việc này có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT).
Trẻ em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng CNTT&TT một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp phòng tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Ngoài môn tin học tại nhà trường, học sinh có thể tham gia các hoạt động về CNTT khác như: Học về robot và STEM trong trường học, học lập trình tại các trung tâm, học kĩ năng số thông qua các khóa học, tham gia các cuộc thi sáng tạo công nghệ…
Hiện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và ứng dụng trong quản lý, điều hành. Đối với bậc phổ thông, cơ sở dữ liệu đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý (51.000 trường mầm non, phổ thông; hơn 23 triệu học sinh, hơn 1,4 triệu giáo viên).
Đối với bậc đại học, cơ sở dữ liệu đại học (HEMIS) đã số hóa thông tin của gần tất cả các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (hơn 400 đơn vị) với 2,6 triệu hồ sơ sinh viên và hơn 156.000 hồ sơ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Nhằm tăng cường dạy học trực tuyến, kho học liệu số chia sẻ dùng chung miễn phí toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) cũng đã được đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ hơn 7.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc đưa AI vào nhà trường đã được thử nghiệm tại TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước. AI sẽ là một trợ thủ đắc lực giúp học sinh thỏa sức sáng tạo.
Thay vì học tập trên sách vở, AI cung cấp cho học sinh một môi trường học trực quan, kích thích trải nghiệm thực tế và khả năng sáng tạo của các bạn trẻ. Với công nghệ 2D, 3D, các em có thể tiếp nhận kiến thức dễ dàng và theo nhiều cách khác nhau.
Cơ hội và thách thức
Trong kỷ nguyên 4.0, công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho cả người dạy lẫn người học. Học sinh có thể sử dụng công nghệ để học hỏi và mở rộng tệp kiến thức.
Ngoài ra, nội dung học tập được số hóa mở ra nhiều nền tảng, khóa học trực tuyến cung cấp cơ hội cho mọi người có điều kiện tiếp cận giáo dục một cách linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cá nhân, không phân biệt địa vị, vị trí địa lý hay độ tuổi.
Với người dạy, chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, kiến tạo nên môi trường học tập tương tác hấp dẫn. Các công cụ như bảng trắng thông minh hay các ứng dụng di động có thể xóa bỏ khoảng cách và tạo thêm nhiều tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Nhờ công nghệ và sự hỗ trợ của AI, kiến thức giảng dạy có thể được cập nhật tự động, giúp nâng cao chất lượng dạy và học tại nhiều cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành giáo dục hiện cũng đang đối diện với vô vàn thách thức. Tại nhiều trường học vấn đề thiếu hạ tầng kỹ thuật gây ra khó khăn trong việc đào tạo năng lực số hóa.
Ngoài ra, nhiều giáo viên không muốn thay đổi cách dạy cũ vì gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại. Với những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thì hạ tầng Internet cùng các trang thiết bị về CNTT hiện vẫn còn thiếu.
Ngoài ra, các kho tài liệu số khi được thiết lập gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nhiều kiến thức được đăng tải nhưng chưa được xác thực, chưa đồng nhất toàn bộ về kiến thức gây lãng phí thời gian, ngân sách.
Bên cạnh đó, một số những quy định pháp lý chuyên về giáo dục chưa được hoàn thiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền sở hữu trí tuệ và an ninh thông tin.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Đưa AI vào chương trình giáo dục phổ thông từ sớm cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, đưa vào lúc nào, nội dung gì, hình thức ra sao là những câu hỏi cần được trả lời bằng kết quả nghiên cứu khoa học bài bản, kỹ lưỡng, tránh hấp tấp, vội vàng.
Cần có bước đi thận trọng, chương trình trang bị năng lực AI phải được xây dựng, kiểm nghiệm tính hiệu quả, khả thi, áp dụng thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước khi triển khai đại trà để tránh nguy cơ tiêu cực tiềm ẩn mà chúng ta có thể chưa ý thức hết tại thời điểm này đối với quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất toàn diện cho học sinh”.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 17