Sau một ngày làm việc, học tập bận rộn, bữa cơm chiều chính là lúc để mọi thành viên trong gia đình có thể gặp gỡ và cùng trao đổi các vấn đề liên quan trong cuộc sống.
Bữa cơm không chỉ đơn giản là cung cấp năng lượng mà còn thể hiện văn hóa, thể hiện tình cảm yêu thương và sự gắn kết giữa các thành viên. Đây là thời gian tốt để giúp trẻ kết nối và thúc đẩy được sự tương tác với các thành viên khác trong gia đình, để trẻ học được cách cư xử trên bàn ăn sớm hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nhỏ có xu hướng phát triển tốt hơn về trí lực lẫn thể lực, tư duy giải quyết vấn đề nhanh và nhạy hơn cũng như có hành vi đạo đức theo hướng tích cực hơn thông qua những bữa cơm gia đình.
Hãy cùng khám phá những phép tắc và lợi ích mà bữa cơm gia đình mang lại cho trẻ nhỏ.
Phép tắc trong bữa ăn
Bên cạnh việc thể hiện trách nhiệm khi cùng nhau chuẩn bị đồ ăn hay dọn dẹp, bữa cơm gia đình cũng là lúc cả nhà cùng trò chuyện, chia sẻ và giúp con trẻ hiểu thêm về văn hóa cùng các quy tắc, ứng xử trong bữa ăn.
Mời cơm: Mời mọi người dùng cơm trước khi ăn là điều mà tất cả các thế hệ người Việt luôn được dạy bảo. Mời người lớn tuổi trước, nhỏ tuổi sau nhằm thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình.
Nếu trong gia đình có ai đang đi vắng chưa về được, những người còn lại cần có trách nhiệm để phần thức ăn. Bằng cách thực hiện những điều này, trẻ sẽ dần hình thành ý thức ứng xử với mọi người theo cách có trách nhiệm nhất.
Ăn uống lịch sự: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”… là những câu tục ngữ được đúc kết thể hiện tầm quan trọng của việc giáo dục các phép tắc trong bữa ăn.
Do đó, việc hướng dẫn cho trẻ ăn uống có phép tắc, lịch sự ngay từ nhỏ rất cần thiết.
Không chê đồ ăn: Trong mâm cơm gia đình, có thể có những món ăn không phù hợp với khẩu vị và khiến trẻ không được thoải mái.
Tuy nhiên, trẻ cần được người lớn chỉ bảo là không nên chê bai, giận dỗi mà cần trao đổi để lần sau các thành viên chế biến phù hợp hơn.
Quan trọng hơn, trẻ cần được dạy nói lời cảm ơn và thể hiện sự tôn trọng tới người đã bỏ thời gian, tâm huyết nấu ăn cho mình. Đây chính là một phần quan trọng trong việc giáo dục lòng biết ơn cho con trẻ.
Khi ăn không gõ bát, đĩa hoặc cắm đũa lên bát cơm: Gõ vào bát cơm hay cắm đũa lên bát cơm là trò nghịch ngợm thường thấy ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều này có thể gây ồn ào, ảnh hưởng đến người xung quanh và việc cắm đũa thẳng lên bát cơm cũng mang ý nghĩa tâm linh.
Theo quan niệm dân gian, việc cắm đũa lên bát cơm chỉ dành để cúng tổ tiên và người mới mất… Dù đúng hay sai thì việc gõ bát khi ăn có vẻ không được lịch sự và cắm đũa vào bát cơm có thể gây ra mất an toàn nếu không may trẻ ngã vào. Vì vậy, bố mẹ nghiêm túc cần nhắc nhở và giải thích một cách dễ hiểu để trẻ tránh phạm phải.
Xin phép khi kết thúc bữa ăn: Nếu lời mời mọi người dùng cơm là để bắt đầu bữa ăn thì xin phép và mời mọi người tiếp tục dùng cơm là việc để kết thúc dùng bữa. Đây được xem là một phép lịch sự cần thiết và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn.
Dù là hành động nhỏ nhưng thể hiện sự tôn trọng, lễ phép của trẻ đến mọi người trong bữa cơm.
Những lợi ích mà trẻ nhận được từ bữa ăn
Hiểu về giá trị dinh dưỡng: Những bữa ăn gia đình giúp trẻ hiểu được giá trị dinh dưỡng đối với cơ thể. Bữa ăn cũng là cơ hội cha mẹ khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, mang lại sức khỏe để sinh hoạt, học tập, vui chơi...
Bữa ăn gia đình đã được chứng minh là cơ hội hoàn hảo để cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với các loại thực phẩm khác nhau và mở rộng khẩu vị của trẻ.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc trẻ em và thanh thiếu niên thường xuyên ăn cơm với gia đình cũng hạn chế khả năng béo phì và có chế độ ăn uống lành mạnh hơn nhóm trẻ ít ăn cơm với gia đình.
Học cách nhờ giúp đỡ: Trong bữa ăn, cha mẹ hãy dặn con nếu muốn lấy đồ ăn ở ngoài tầm với, hãy lên tiếng nhờ bố mẹ hoặc người lớn ngồi cạnh giúp đỡ một cách lịch sự thay vì cố rướn người ra để lấy.
Bởi nếu cố lấy thức ăn ở xa, trẻ có thể sẽ làm ảnh hưởng đến người bên cạnh hoặc dễ làm rơi, đổ đồ ăn, gây mất vệ sinh. Đồng thời, cha mẹ hãy dạy con cách nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ mọi người.
Không lãng phí đồ ăn: Để dư lại đồ ăn thừa, lâu dần sẽ tạo thành tính lãng phí và không biết trân trọng thức ăn. Vì vậy, cha mẹ có thể dặn con lấy lượng thức ăn vừa đủ và ăn hết phần thức ăn của mình.
Gọn gàng, ngăn nắp: Sau bữa ăn, trẻ có thể học được cách xếp bát, đĩa gọn gàng để mang đi rửa. Ngay cả khi chưa thể trực tiếp rửa bát, cha mẹ có thể dạy trẻ cách thu dọn thức ăn vung vãi, xếp bát đũa, lau bàn...
Điều này giúp trẻ hiểu phần nào trách nhiệm với công việc chung của gia đình.
Minh Châu
Ấn phẩm Vì trẻ em số 12