Nghỉ hè: Trẻ vui - cha mẹ lo
Con mới nghỉ hè hơn một tuần nhưng vợ chồng anh chị Tuấn - chị Minh nhìn đã phờ phạc. Hai cậu con trai, một 12 tuổi, một lên 9 tuổi rất hiếu động, ngày nào cũng đánh lộn và bày bừa nhà cửa như bãi chiến trường.
Cho dù chị Minh đã “thiết quân luật”, có bảng phân chia công việc rõ ràng, nhưng chúng chỉ làm cho có, với thái độ miễn cưỡng. Thấy tình hình như vậy nên anh Tuấn bàn với vợ cho hai con tham gia một khóa huấn luyện quân đội hoặc kỹ năng sống để rèn tác phong, nền nếp sinh hoạt khoa học cũng như bồi đắp thêm ý thức sống có trách nhiệm và kỷ luật.

Anh Tuấn cho biết, sau 1-2 lần click vào bài viết giới thiệu về trại hè, kể từ đó, Facebook của anh tràn ngập các thông tin về đủ các loại trại hè: trại hè thể thao, trại hè kỹ năng sống, trại hè tiếng Anh, trại hè âm nhạc, học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, du học hè…
Có trại hè của các tổ chức quốc tế, có trại hè của các đơn vị tư nhân, có trại hè bán trú, trại hè nội trú, trại hè ngắn ngày, dài ngày, trong nước và quốc tế… Chi phí khi tham gia trại hè cũng rất đa dạng, từ vài triệu đến cả trăm triệu.
Sau khi tìm hiểu, cân nhắc, vợ chồng anh Tuấn đã quyết định cho hai cậu con trai tham gia một trại hè ngắn ngày trong 2 tuần của một trung tâm của người quen biết, tin tưởng.
Nhưng sau 2 tuần “đi lính”, về nhà tụi trẻ sẽ làm gì tiếp để kỳ nghỉ hè thực sự ý nghĩa và vui vẻ thì vợ chồng anh Tuấn lại phải suy tính tiếp. Chắc chắn là không thể nhốt con trong nhà 24/24 giờ được.
“Có thể, chúng tôi sẽ cho các con về chơi với ông bà nội, ngoại mỗi nơi khoảng nửa tháng và cho con đi du lịch biển 3-4 ngày”, anh Tuấn chia sẻ.
Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, chị Minh Hòa kể, cô chủ nhiệm đã phát cho mỗi cha/ mẹ một bảng danh sách các câu lạc bộ hè ở trường mà con có thể tham gia như: cầu lông, bóng rổ, bóng đá, aerobic, bơi lội, cờ vua, kể chuyện, vẽ, múa, dancesport… Học sinh thích môn nào thì sẽ tích vào và cha mẹ chủ động liên hệ thầy/ cô phụ trách để được sắp lớp.
Chị Hòa động viên con tham gia câu lạc bộ vẽ và dancesport vì như vậy vừa có nghệ thuật lại có cả thể thao rèn luyện sức khỏe. Nhưng thực tế là thời gian tham gia các câu lạc bộ thường chỉ kéo dài 1,5 tiếng/ buổi, tuần 2 buổi.
Phần lớn thời gian còn lại cô con gái 10 tuổi của chị Hòa sẽ ở nhà ngủ, xem tivi và có thể giúp mẹ một số việc nhà nhẹ nhàng. Có hôm có bạn hàng xóm sang chơi, chúng ngồi vẽ tranh, tô tượng, cắt dán đồ chơi, nhưng chỉ được một lúc lại quay sang xem youtube và hoặc phim hoạt hình.
Hè này, đi đâu?

Ba tháng hè rất là dài, cho trẻ đi đâu, làm gì để mùa hè thật sự bổ ích với trẻ luôn là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh. Tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số hoạt động để lựa chọn cho con tham gia trong mùa hè này:
Các khóa rèn luyện kỹ năng sống: Cha mẹ có thể đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng sống tại các trung tâm văn hóa, nghệ thuật hoặc các tổ chức xã hội. Những khóa học này thường tập trung vào việc phát triển kỹ năng mềm và sáng tạo.
Hoạt động ngoại khóa: Cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đến các trại hè, các lớp học nghệ thuật, thể thao, âm nhạc, hoặc các hoạt động ngoài trời như câu cá, leo núi, cắm trại. Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng mới mà còn giúp chúng xây dựng kỹ năng xã hội và tự tin hơn trong cuộc sống.
Tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện: Các hoạt động thiện nguyện dạy trẻ về tình yêu thương, lòng trắc ẩn và biết quan tâm đến những người sống xung quanh mình. Hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động từ thiện, làm tình nguyện viên, hoặc tham gia các dự án bảo vệ môi trường.
Cho trẻ về quê: Đây là một ý tưởng tuyệt vời để trẻ có thể trải nghiệm cuộc sống nông thôn, kết nối với nguồn gốc gia đình và học hỏi từ trải nghiệm thực tế. Điều này có thể giúp trẻ phát triển sự độc lập, biết sống có trách nhiệm. Tuy nhiên, về quê trong bao lâu, cha mẹ nên cân nhắc dựa vào độ tuổi và ý nguyện của trẻ.
Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra rằng, những người có xu hướng “sống xanh” từ thuở nhỏ sẽ ít có nguy cơ trầm cảm, lo âu hơn khi trưởng thành. Các nhà khoa học Nhật Bản thì phát hiện, những người sống gần công viên cây xanh hoặc rừng cây tự nhiên có nồng độ cortisol hormone gây stress thấp hơn hẳn so với những người sống trong các khu đô thị. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không cho trẻ về quê để được gần gũi với thiên nhiên?!
Du lịch gia đình: Mùa hè không chỉ là dịp để trẻ nghỉ ngơi và “xả vai” học sinh sau một năm học đầy căng thẳng. Cha mẹ hãy lên kế hoạch để đưa con đi du lịch, để con có cơ hội khám phá văn hóa, lịch sử và thiên nhiên. Điều này cũng tạo ra cơ hội gắn kết gia đình và là kỷ niệm đẹp đối với mỗi đứa trẻ.

Và mùa hè nếu trẻ được đi biển thì còn gì tuyệt bằng!
Ngày nay, các bãi biển không chỉ để tắm, rất nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn để cùng con có thể tham gia, nào lặn ngắm san hô, cưỡi mô tô, chèo thuyền, nhảy dù, lướt sóng… Đây là cơ hội tuyệt vời để trẻ có thể khám phá và trải nghiệm thế giới đại dương dù chỉ là trong giây phút. Những trải nghiệm sống vô cùng quý giá không chỉ làm giàu vốn sống của trẻ mà còn kích thích trẻ khám phá thế giới thiên nhiên trong các chuyến đi sau này.
Thời gian chơi và nghỉ ngơi: Thời gian tự do cũng rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Cha mẹ hãy dành thời gian cho trẻ được chơi đùa tự do và thư giãn tại nhà.
Có một lưu ý rất quan trọng đối với các bậc cha mẹ, đó là dù bạn chọn hoạt động nào cho con tham gia trong kỳ nghỉ hè thì đảm bảo an toàn cho trẻ phải là yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Thanh Huyền
Ấn phẩm Vì trẻ em số 11