Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Thực phẩm không rõ nguồn gốc “bủa vây” cổng trường

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tại các trường học ở một số khu vực Hà Nội, những sạp hàng lưu động “mọc lên như nấm” với nhiều loại thực phẩm lạ, chưa rõ nguồn gốc.

Đặc điểm chung của những thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, khói bụi mất vệ sinh... 

Thế nhưng, những món ăn này vẫn hấp dẫn học sinh, trở thành mối nguy hại cho sức khỏe các em...

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm 

Theo quan sát của phóng viên, xung quanh trường học trên địa bàn Hà Nội, không trường nào không có hàng quán ăn vặt phục vụ nhu cầu của thực khách nhí.

thuc.jpg
Thực phẩm bán trước cổng trường luôn hấp dẫn trẻ em.

Một trong những điểm chung của các loại quà vặt này là giá rẻ, phù hợp với số tiền nhỏ của học sinh, được nhà sản xuất thiết kế rất bắt mắt với những bao bì sắc màu, vui nhộn, hình thù ngộ nghĩnh, quen thuộc với trẻ nhỏ (doremon, pokemon...). Điều đáng nói, những món ăn vặt này rất tiện lợi và giá thành rẻ, có loại chỉ 1.000-2.000 đồng/túi nhỏ. 

Phần lớn học sinh đều trả lời rằng đồ ăn vặt trước cổng trường rất ngon, chúng có vị cay cay, ngọt ngọt, vừa ăn vừa tám chuyện với bạn bè rất thú vị. Những món ăn vặt siêu rẻ, màu sắc bắt mắt, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trước cổng trường và có không ít vụ ngộ độc thực phẩm do các em mua trước cổng trường, thậm chí ngộ độc vì ăn cơm tại trường.

Ngày 31/3 vừa qua, 10 học sinh ở Nha Trang (Khánh Hòa) phải nhập viện điều trị ngộ độc, nghi do ăn cơm gà được bày bán trước cổng trường. Tiếp đó, ngày 5/4, 28 học sinh trường tiểu học Vĩnh Trường và trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang phải nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm; một nữ học sinh tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu.

Được biết, các em có ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và người bán hàng rong. Tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 4/4, nhiều học sinh trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo có chữ nước ngoài mua từ một cửa hàng tạp hóa gần cổng trường. 

Trước đó đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 600 học sinh nhập viện, một em tử vong sau bữa ăn bán trú có các món: Cơm gà, gỏi gà, cánh gà chiên, súp canh gà. Vụ việc được Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận điều tra, sau đó khởi tố vụ án. Vụ án vẫn được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Gia đình cần giáo dục con về thực phẩm bẩn

Chuyên gia cao cấp bảo vệ trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, rất lo lắng và bức xúc khi liên tục nhận được thông tin về học sinh bị ngộ độc thực phẩm bởi ăn đồ ăn hàng quán trước cổng trường, thậm chí ngộ độc do bữa ăn ở trường. Các em bị ngộ độc đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, học tập, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều này không những gây lo lắng cho gia đình, thầy cô giáo mà còn ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội. “Ngộ độc liên tục, dư luận xôn xao, các ngành vào cuộc. Tuy nhiên, sự việc rồi lại chìm xuồng, còn chuyện trẻ em bị ngộ độc thực phẩm cổng trường, ngộ độc vì bữa ăn trong nhà trường vẫn xảy ra”, bác sĩ An bức xúc.

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...

Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.

Nhiều chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc của các loại kẹo bán tràn lan ở cổng trường. Trẻ em phần lớn a dua theo bạn bè, phần bị thực phẩm bắt mắt cuốn hút, vị chua cay hấp dẫn, phần vì giá siêu rẻ nên dù được gia đình, nhà trường cảnh báo vẫn vô tư ăn uống mà không để ý hậu quả khôn lường.

Điều này một lần nữa cảnh báo về vấn đề quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hoá thức ăn cho học sinh nơi cổng trường. Ông An cho rằng, rất cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn cho học sinh nơi cổng trường và phải cảnh báo toàn xã hội. 

Nếu các cơ quan kiểm soát thị trường, nếu các ngành chức năng đều làm tốt trách nhiệm được giao, nếu các bếp ăn nhà trường, hàng quán tuân thủ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được nguy cơ xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ em. 

Để bảo vệ trẻ em khỏi ngộ độc do thực phẩm bẩn bán tràn lan trước cổng trường, bác sĩ An đưa ra khuyến cáo: “Quan trọng nhất vẫn là giáo dục gia đình, các con được ăn uống tại nhà và được dặn dò không ăn quà vặt.

Mong phụ huynh luôn nêu cao cảnh giác, hãy hỗ trợ kiến thức và hướng dẫn con em mình phòng tránh nguy cơ này, phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, đâu là địa chỉ uy tín hay nơi nào không bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Phía nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh, với những thức ăn đường phố không có chứng nhận, cam kết về an toàn thực phẩm thì không nên sử dụng”.

Khánh Vân

Báo Lao động Xã hội số 46

Tin liên quan
Mạnh tay với thực phẩm bẩn!

Mạnh tay với thực phẩm bẩn!

(LĐXH) - Công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra vụ án gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine (được gọi là “nước kẹo”), đã tuồn ra...
Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm

Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm

(LĐXH) - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bán ra thị trường đã được đẩy mạnh,...