Nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, huyện Bá Thước đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân.
Minh chứng bằng việc đã có hàng nghìn hộ gia đình là người dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Từ kết quả đầu tư thực địa và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các hộ gia đình nghèo là người dân tộc thiểu số đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo, như:
Mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống...
Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Ngọ Đình Hải chia sẻ: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện đã đạt được kết quả khả quan.
Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 17,58% (giảm 6,28%), tỷ lệ hộ cận nghèo 17,58% (giảm 8,35%). Toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 2.000 người đạt 100% kế hoạch năm.
Trong đó có 262 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 218,3% so với kế hoạch tỉnh giao. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước”.

“Những giải pháp thiết thực hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng các xã, thôn đặc biệt khó khăn là giải pháp căn cơ thì mới giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế xã hội vùng xã thôn đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, huyện Bá Thước được đầu tư 78 hạng mục công trình, các hạng mục công trình chủ yếu là đường thôn bản, nhà văn hóa thôn.
Đến nay, các dự án này ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực giảm lầy lội, người dân đi lại thuận tiện hơn, người dân dân tộc thiểu số có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng”, ông Hải nhấn mạnh.
Năm 2024, huyện Bá Thước đề ra 36 chỉ tiêu, 6 nhóm giải pháp chủ yếu và 8 nhiệm vụ trọng trọng tâm chỉ đạo điều hành trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất cả năm 13,5%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 35 nghìn tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 300 ha.
Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 1.350 tỷ đồng; tỷ lệ tăng thu ngân sách đạt 68,6% trở lên so với dự toán tỉnh giao; thành lập mới 21 doanh nghiệp; tỷ lệ đô thị hóa đạt 9,97%; tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn được cứng hóa 87%.
Lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm còn 53%; lao động qua đào tạo 625%; xã, thị trấn đạt tiêu chí ATTP duy trì tỷ lệ 100%; trường đạt chuẩn quốc gia 65,3%...
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của huyện;
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, coi đây là nhiện vụ trọng tâm, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ GPMB các dự án thực hiện trên địa bàn huyện;
Tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm của huyện như: Khu du lịch Pù Luông, Khu du lịch sinh thái thác Hiêu, xã Cổ Lũng; Khu du lịch Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao; Khu du lịch thác Muốn, xã Điền Quang;
Đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.
Bên cạnh đó, Bá Thước tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đưa địa phương ra khỏi huyện nghèo của cả nước.