Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

"Cào ngao, đục hàu" - Cách kiếm tiền khó tin của ngư dân Nghi Sơn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trước đây, người dân xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) hầu hết sống dựa vào nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

Nhưng nay nhờ sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn, đa số đã chuyển sang làm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp. Tuy vậy, còn nhiều lao động vẫn gắn bó với nghề đục hàu, cào ngao - nghề truyền thống của vùng biển.

Công việc gian truân, không ngày nghỉ 

Tờ mờ sáng, hơn chục thợ cào ngao, đục hàu - chủ yếu là phụ nữ và người già đã có mặt tại bãi Đông. Họ đi ủng, mặc nhiều lớp quần áo và đeo khẩu trang kín mít để chống nắng. Mỗi người làm việc ở một vùng khác nhau, cần mẫn cào từng con ngao nhỏ hoặc đục từng con hàu bám chặt vào đá. 

"Cào ngao, đục hàu" - Cách kiếm tiền khó tin của ngư dân Nghi Sơn - 1
Hàng ngày, bà Mai vẫn miệt mài kiếm sống bằng nghề cào ngao.

Chị Thao chừng 40 tuổi, là một trong những người làm nghề đục hàu. Mặc quần áo chống nắng, chân đi tất dày, đầu đội nón lá, chị cầm cây "cò mổ hàu" - dụng cụ hình chữ T với cán gỗ và đầu sắt nhọn dùng để mổ vỏ hàu khỏi đá. Chị còn sử dụng con dao nhỏ nằm lọt trong lòng bàn tay để tách ruột hàu. Cứ thế, chị tìm những tảng đá nhỏ, nơi có nhiều con hàu bám vào rồi cặm cụi gõ lóc cóc trên mặt đá.

Hàu khai thác về phải rửa sạch rồi mới mang ra chợ bán hoặc nhập cho nhà hàng, quán ăn. “Con hàu nhỏ bằng đầu ngón tay út, vị ngọt mát nên được nhiều người ưa chuộng. Tôi bán cho nhà hàng, quán ăn hoặc sử dụng trong gia đình. Mỗi cân ruột hàu bán được 120.000 đồng. Nhưng do sức khỏe yếu, lại phụ thuộc thủy triều dâng nên tôi chỉ kiếm được khoảng 40.000 đồng/ngày”, chị Thao chia sẻ.

Công việc không đơn giản, dù mang bao tay và đi tất dày nhưng tiếp xúc thường xuyên với con hàu sắc lẹm khiến chị Thao không ít lần bị đứt tay, chân. Nắng gắt làm chị từng bị say nắng và ngồi lâu giữa trời khiến thường xuyên đau lưng. Nghề đục hàu vất vả, thu nhập không cao, lại đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo để tách được ruột hàu. Người phụ nữ này vẫn kiên nhẫn bám nghề vì để có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống.

“Nghề đi giật lùi” 

Xa xa phía bãi biển, bà Mai, ngoài 50 tuổi, đang cào ngao. Công việc của bà cũng không kém phần vất vả. Dáng người nhỏ bé, da đen sạm, Bà Mai đã có mặt ở bãi biển từ 4 giờ sáng. Nghề cào ngao tuy thu nhập cao hơn so với đục hàu nhưng cũng đòi hỏi sức khỏe tốt hơn. Thu nhập của bà Mai dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/ngày, phụ thuộc vào lượng ngao cào được. 

Công việc không cần kinh nghiệm, chỉ cần sức khỏe và sự bền bỉ nhưng không dễ dàng. Các ngón tay của bà dính đầy cát, da tay chai sạn vì phải cào cát tìm ngao ngày này qua ngày khác.

Bà Mai sử dụng một cán tre dài khoảng 1,5m, một đầu được chẻ tách làm đôi hình tam giác rồi gắn một miếng sắt gọi là lưỡi nạo. Một đầu tựa vào vai. Phía trên, bà treo cái mũ vải rộng vành để chống nắng, ở giữa cán tre có điểm tựa để treo giỏ ngao và chai nước uống. Khi cào ngao, bà Mai phải cúi khom người, hai tay nắm cán tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi nạo xuống cát sâu khoảng 10cm và kéo lùi về sau.

Cứ đi lùi như thế, nếu phía dưới lớp cát có ngao chạm vào, lưỡi nạo khựng lại, người thợ biết có ngao. Theo quan sát của chúng tôi, có khi một “đường lùi” 3 - 4m cũng không được con ngao nào nhưng có đường thì được 2 - 3 con.

"Nghề đi giật lùi chủ yếu phụ thuộc vào con nước (thủy triều). Nước xuống thì đi cào, nước lên sẽ rời biển về nhà. Công việc này phải phơi nắng, dầm mưa, rất tốn sức nhưng không cần kinh nghiệm, chỉ cần sức khỏe", bà Mai chia sẻ.

Xã đảo Nghi Sơn là một doi đất nhỏ vươn dài ra biển. Cả xã có vài nghìn hộ thì hầu hết đều theo nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề biển.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã đảo Nghi Sơn, trước đây khu công nghiệp chưa vào, bà con chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nay khu công nghiệp phát triển, nhất là Khu kinh tế Nghi Sơn và rất nhiều nhà máy ra đời, bà con cũng dịch chuyển nghề nghiệp, đặc biệt là làm công nhân công trường nên đời sống được nâng cao.

Tuy vậy, vẫn còn những người gắn bó với nghề đục hàu, cào ngao. Đó không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh mà còn là sự kết nối bền bỉ với biển cả, với truyền thống và văn hóa lao động lâu đời. 

Những người phụ nữ nơi đây bằng sự kiên trì và nhẫn nại đã viết nên câu chuyện về tinh thần lao động, bám nghề đầy cảm hứng. Tận mắt thấy những phụ nữ làm nghề đục hàu và cào ngao tại xã đảo Nghi Sơn mới thấy hết sự chịu thương, chịu khó của họ. Cần mẫn tìm kiếm, gỡ từng con hàu, con ngao ra khỏi những khối đá sắc nhọn, những lớp cát, dẫu vất vả nhưng các chị, các mẹ luôn nở nụ cười lạc quan.

Cảnh tượng người phụ nữ ngồi bên bờ biển, chăm chỉ làm việc giữa cái nắng chói chang của mùa hè, rồi những bàn tay chai sạn, nụ cười lạc quan giữa cuộc sống khó khăn… tất cả đã tạo nên vẻ đẹp mộc mạc mà đầy ý nghĩa của những con người làm nghề nơi xã đảo Nghi Sơn.

Thảo Vân

Báo Lao động và Xã hội số 117

Tin liên quan