Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Chiến sự Israel - Hamas: Nỗ lực cứu trợ gặp thách thức mới

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nhiệt độ cao cực đoan đang đặt ra thách thức mới cho các cơ quan cứu trợ ở Gaza khi dải đất đã trải qua 10 tháng chìm trong bom đạn chiến sự.

Ở Gaza, bầu trời đầy rẫy hiểm nguy. Ngoài những quả tên lửa có thể lao xuống bất cứ lúc nào, nắng nóng gay gắt đã khiến mùa hè trở nên không thể chịu đựng được đối với những người đang vật lộn để sinh tồn trong những khu vực đổ nát và hoang tàn.

Ảnh Bài 1_Gaza leu tam.jpg
Người tị nạn Palestine ở Gaza chống chọi với nắng nóng thiêu đốt trong những túp lều tạm bợ. Ảnh: AFP

Đôi khi bà Samaher al-Daour ước mình đã chết trong những ngày đầu của cuộc chiến Israel - Hamas thay vì phải chứng kiến con trai đã mất một chân trong cuộc xung đột, phải chịu đựng cái nóng không thể chịu đựng được.

“Tình hình thật kinh khủng", bà Daour (42 tuổi) trả lời Reuters khi ngồi cạnh cậu con trai 20 tuổi Haitham trong căn lều oi bức của họ ở thành phố Khan Younis. “Ban ngày, không khí cực kỳ nóng cả bên trong và bên ngoài lều. Chúng tôi đã ra biển nhưng vẫn rất khó khăn". 

Con trai bà đã mất chân vào tháng 2 trong một cuộc không kích của Israel vào trường học do Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành tại trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Dải Gaza. Giờ đây, cái nóng ngột ngạt khiến anh không thể nghỉ ngơi để phục hồi sức lực. Người đổ mồ hôi liên tục, điều này làm chân bị kích ứng và sưng lên.

Sau 10 tháng chiến sự nổ ra, hầu hết 2,3 triệu người dân Gaza phải di tản. Họ sống trong lều hoặc nơi trú ẩn đông nghẹt người, gần như không có điện và nước sạch. Đói bụng và yếu ớt, họ không thể tắm rửa và phải vật lộn để ngủ trong nóng bức. Thức ăn bị thối rữa, thu hút côn trùng và ruồi đến các trại tị nạn. Họ có nguy cơ bị say nắng và mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao khác.

Vào cuối tháng 6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nắng nóng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe của hàng triệu người di cư, cảnh báo một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang rình rập Gaza do thiếu nước sạch, thực phẩm và vật tư y tế. Nắng nóng cũng khiến các cơ quan cứu trợ hoạt động khó khăn hơn. Họ vốn đã gặp thách thức trước đó do các cuộc không kích, giao tranh và cơ sở hạ tầng bị tàn phá.

“Phần lớn tổ chức cứu trợ nhân đạo, bao gồm cả các nhà tài trợ thực sự chưa cân nhắc đến các mối đe dọa của nắng nóng và nhiệt độ cao", ông Paul Knox Clarke, lãnh đạo tại Adapt (sáng kiến về khí hậu và nhân đạo) cho biết. Các tổ chức nhân đạo đang tập trung giải quyết những tình huống cấp bách trước mắt như: Người dân bị thương, bổ sung thức ăn, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế… nhưng việc giúp dân thường ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức. 

Ông Prabu Selvam, nhân viên y tế của cơ quan cứu trợ Americares cho biết: “Mọi thứ đã trở nên phức tạp, việc vận chuyển thuốc men cần được giữ mát trở nên đặc biệt khó khăn”.

Do những quy định hạn chế từ Israel, xe tải cứu trợ thường phải phơi nắng hàng giờ, chờ đợi để được thông quan vào Gaza. “Tất nhiên, nó sẽ tác động đến người dân vì những loại thuốc cần thiết nhất luôn cần được bảo quản lạnh”, ông Selvam cho biết.

Gần 40.000 người đã thiệt mạng và khoảng 92.000 người bị thương kể từ khi quân đội Israel bắt đầu tấn công Gaza để trả đũa Hamas tập kích vào khu vực do Tel Aviv kiểm soát. Phần lớn người chết là dân thường. Chiến dịch đã tàn phá nhà cửa, trường học và cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện và phòng khám. Israel đã hạn chế nghiêm ngặt dòng thực phẩm và viện trợ vào Gaza, các cơ quan nhân đạo đã cảnh báo về nguy cơ nạn đói.

cái nóng khắc nghiệt của mùa hè đã khiến những người tị nạn thêm đau khổ. Những năm gần đây, khu vực Địa Trung Hải đã chứng kiến một loạt đợt nắng nóng chết người và nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu thúc đẩy hiện tượng này gia tăng. 

Quan chức Fadi Dweik cho biết, Tổ chức nhân đạo Save the Children đang điều chỉnh các hoạt động cứu trợ tại Gaza. Thông thường, cơ quan này sẽ tập trung vào hỗ trợ sức khỏe tâm thần và giáo dục cho các nạn nhân của chiến sự. Nhưng hiện nay, họ ưu tiên cung cấp nước và vệ sinh cũng như hỗ trợ dinh dưỡng và sức khỏe cho di dân. 

“Cuộc xung đột khiến chúng tôi phải nghĩ đến các chi tiết và áp dụng các giải pháp thay thế mà trước đây chưa nghĩ đến. Lần đầu tiên, các yếu tố môi trường được ưu tiên vì không thể bỏ qua chúng mặc dù chiến tranh và sự tàn phá vẫn đang diễn ra”, ông Dweik cho hay.

Cái nóng cũng đang khiến bà Sabah Khames chật vật chống đỡ. Người phụ nữ 62 tuổi này đã di dời khỏi nhà ở Rafah gần biên giới Ai Cập hồi tháng 5 và hiện sống trong lều cùng với 18 người họ hàng khác.

"Chiếc lều là một xe kéo chật chội được dựng hoàn toàn bằng tấm kim loại. Bên trong giống như một phòng xông hơi", bà trả lời phỏng vấn qua điện thoại. "Đôi khi, tôi gần như không thở được". 

Đức Hoàng (theo Reuters)

Báo Lao động và Xã hội số 99

Tin liên quan