Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Chiến sự Israel - Hamas: Thảm cảnh của dân Gaza trong mưa bom, bão đạn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Điều kiện vệ sinh ngày càng tồi tệ khiến cuộc sống của người dân ở Gaza trở thành thảm họa.

Một thiếu niên 14 tuổi nằm trong bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở Deir Al-Balah (Dải Gaza) bị bỏng nặng do cuộc không kích của Israel. Các bác sĩ cho biết, gần như toàn bộ cơ thể cậu bị ảnh hưởng, vết thương đã bị giòi xâm nhập.

"Thiếu niên này bị bỏng cấp độ hai và ba từ 80 - 90% cơ thể", TS Mahmoud Yousef Mughani, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tái tạo và bỏng cho biết. Do thiếu vật tư khử trùng, vết thương không thể được vệ sinh đúng cách. Khi nhân viên y tế thay băng cho cậu, giòi rơi xuống sàn. “Điều này liên tục xảy ra”, TS sĩ Mughani cho biết.

Chiến sự Israel - Hamas: Thảm cảnh của dân Gaza trong mưa bom, bão đạn - 1
Điều kiện vệ sinh ngày càng tồi tệ khiến cuộc sống của người dân ở Gaza trở thành thảm họa.

Không còn nơi nào khác cho cậu di tản. Theo Liên hợp quốc, ước tính khoảng 12.000 bệnh nhân đang chờ rời khỏi Gaza để được chăm sóc y tế khẩn cấp nhưng việc sơ tán y tế đã bị đình chỉ kể từ khi cửa khẩu Rafah với Ai Cập bị đóng lại 4 tháng trước.

Trường hợp này là minh chứng cho thấy điều kiện vệ sinh ngày càng tồi tệ đối với người Palestine bị mắc kẹt trong vùng đất bị bao vây sau 11 tháng chiến tranh, cả trong và ngoài bệnh viện. Ngay cả khi chiến dịch tiêm vaccine bại liệt cho trẻ em Gaza vẫn tiếp tục, Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ cảnh báo về tình trạng sức khỏe cộng đồng đang xấu đi.

UNRWA, cơ quan của Liên hợp quốc phụ trách các vùng lãnh thổ của Palestine cho biết: “Trong khi chúng tôi tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ em, nhiều căn bệnh khác vẫn tiếp tục lây lan ở Gaza. Những đống rác ngày càng cao bên cạnh lều trại và nơi trú ẩn. Nước thải tiếp tục tràn vào đường phố. Việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh ngày càng hạn chế. Điều kiện vệ sinh này là vô nhân đạo”, UNRWA cho biết.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã cảnh báo, việc hạn chế tiếp cận nước sạch và các cơ sở vệ sinh, cùng với việc thiếu các vật dụng vệ sinh giá cả phải chăng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Gaza. Hồi tháng 7, giá xà phòng đã tăng gần 1.200% trên toàn Dải Gaza so với một năm trước đó, trong khi giá dầu gội đầu tăng gần 500% trong cùng kỳ.

OCHA cho biết: "Các đối tác nhân đạo đã nỗ lực đảm bảo hàng trăm nghìn bộ dụng cụ vệ sinh có thể đến tay những người có nhu cầu nhưng những nỗ lực đó vẫn tiếp tục bị cản trở bởi xung đột, tình trạng thiếu trật tự và an toàn công cộng, cũng như lệnh sơ tán do chính quyền Israel ban hành".

Cơ quan này cho biết, các gia đình phải di dời đang đối mặt với những khó khăn cực độ trong việc duy trì vệ sinh cơ bản tại các nơi trú ẩn và địa điểm di tản quá đông đúc, trong khi các cơ sở quan trọng như trung tâm y tế, bếp ăn cộng đồng, không gian bảo vệ trẻ em, trung tâm dinh dưỡng và trường học lại thiếu các công cụ cần thiết để đảm bảo điều kiện an toàn và vệ sinh. Tình hình này có khả năng sẽ xấu đi trong mùa đông.

Trước tình hình này, một số cư dân đã bắt đầu sản xuất xà phòng và chất tẩy rửa để bán chúng ra thị trường. Mohammed Al-Taweel có một gian hàng tại khu chợ đường phố ở Deir Al-Balah và cho biết: "Mọi người có nhu cầu về chất tẩy rửa nhiều hơn và chúng tôi bắt đầu tăng sản lượng. Không có lựa chọn nào khác. Không có thứ gì có thể mang vào Gaza. Không có thứ gì làm sẵn. Mọi thứ đều đóng cửa”.

Nhưng Mohammed Al-Taweel lo ngại rằng nguyên liệu thô cũng có thể cạn kiệt trong những ngày tới. “Sản phẩm có sẵn nhưng mọi thứ đều đắt… Mọi người bắt đầu phàn nàn. Dầu gội đầu có giá 15 shekel (100.000 VND). Trước đây, chúng tôi bán với giá 10 shekel”.

Bà Ghada Shahoura đi chợ để tìm kiếm các sản phẩm vệ sinh: “Tình trạng thiếu hụt sản phẩm vệ sinh rất nghiêm trọng. Chúng tôi buộc phải mua sản phẩm vệ sinh tại địa phương”. Nhưng bà cho biết chúng thường có chất lượng kém và rất đắt. “Chúng tôi có dịch bệnh và tỷ lệ nhiễm trùng, ký sinh trùng và nhiễm nấm cao ở trẻ em. Không có vệ sinh”, bà Shahoura nói.

Các cơ quan và đối tác của Liên hợp quốc đang cố gắng khôi phục các giếng nước bị hư hại do giao tranh ở Deir Al-Balah vào cuối tháng 8, khiến sản lượng nước ngầm giảm 75%.

OCHA cho biết, 8 giếng đã bị hư hại đáng kể, trong đó 4 giếng hiện không thể sửa chữa. Tính đến tháng này, sản lượng nước sạch hàng ngày tại khu vực này chỉ bằng một phần tư lượng cung trước chiến tranh.

Saeed Rayyan, cư dân Gaza bán clo để khử trùng lều trại và quần áo. “Nó cũng được sử dụng để rửa và khử trùng bát đĩa vì bệnh viêm gan đang lây lan khủng khiếp ở Dải Gaza và để ngăn ngừa bệnh vàng da", Rayyan nói với CNN.

Nguồn cung cấp clo lỏng rất khó kiếm nên họ thường phải dùng đến clo dạng bột và xút ăn da để giữ vệ sinh.

“Không có vật liệu thay thế nào để loại bỏ bệnh tật. Không có dầu gội đầu. Mọi người sử dụng nước rửa chén và bột giặt để cố gắng giữ sạch sẽ. Do sự lây lan của dịch bệnh và bệnh tật, tình trạng thiếu vệ sinh trong lều trại cũng như lượng rác thải tích tụ lớn trong nước nên môi trường rất mất vệ sinh", ông Rayyan cho biết thêm.

Đức Hoàng (theo Yahoo News)

Báo Lao động và Xã hội số 112

Tin liên quan