Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

"Cú huých" chính sách giúp Ninh Bình đột phá trong an cư cho người nghèo

Thu Hương
Thu Hương

Để “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hàng trăm ngôi nhà "Đại đoàn kết" cho người nghèo Ninh Bình được xây dựng. Đạt được kết quả trên là nhờ cú huých chính sách Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh.

Lo cho người nghèo an cư, quan tâm giải quyết chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Đòn bẩy quan trọng để các hộ nghèo xây, sửa nhà mới 

Theo đó, xã Văn Hải có 4/8 hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ, trong đó 3 hộ được hỗ trợ xây mới. Gia đình bà Trần Thị Duyên, xóm Bắc Cường, là một trong số đó.

Ngoài việc được hỗ trợ xây nhà kiên cố, gia đình bà còn được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà sinh học, bảo đảm năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện, thoát nghèo. 

"Cú huých" chính sách giúp Ninh Bình đột phá trong an cư cho người nghèo - 1
Mô hình nuôi gà lai sinh học năng suất hiệu quả cao giúp người dân Ninh Bình thoát nghèo (Ảnh: Thu Hương)

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 của xã Văn Hải giảm còn 2,66%. Nhiều người nghèo ở Văn Hải đã vươn lên thoát nghèo.

Đạt được các kết quả trên là nhờ cú huých chính sách Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh. Đây là đòn bẩy quan trọng để các hộ nghèo có điều kiện xây, sửa ngôi nhà mới trong năm qua ở Ninh Bình.

Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh - chính sách mới ban hành tháng 3/2023 nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Mục tiêu tổng quát chung về giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là “giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương;

Hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Bình giảm mạnh trong 3 năm qua

Ngoài việc thực hiện các dự án của Chương trình và các chính sách giảm nghèo chung của Trung ương, Ninh Bình còn dành nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 929 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

Riêng trong năm 2023, Ninh Bình hỗ trợ xây mới và sửa chữa 495 căn nhà (327 nhà xây mới; 168 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 49,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 41,1 tỷ, vốn huy động và đối ứng của người dân 8,01 tỷ đồng). 

Năm 2024, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 424 căn nhà với tổng số tiền 78,5 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ cao nhất cả nước hiện nay là 100 triệu đồng/căn nhà xây mới, 50 triệu đồng/căn nhà sửa chữa. 

Ninh Bình cũng huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2021 đến nay, trên 43.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. 

Ngoài ra, Ninh Bình cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đảm bảo mức sống trên mức chuẩn nghèo hiện hành.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.397 lượt hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách tỉnh với số kinh phí trên 26,43 tỷ đồng. 

Nhờ những nỗ lực đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Bình giảm mạnh trong 3 năm qua, từ 3,07% (năm 2021) còn 1,86% vào cuối năm 2023. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%.   

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, thời gian qua, cùng với các chính sách giảm nghèo chung của Nhà nước, ngành đã chủ động tham mưu tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và ban hành các chính sách đặc thù riêng. 

Nổi bật là tháng 3/2023, HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở hộ nghèo giai đoạn 2023 - 2025.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình Lê Thị Lựu cho biết, thời gian tới, để Nghị quyết tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn, góp phần vào mục tiêu chung của toàn tỉnh và cả nước là xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát với hộ nghèo trong năm 2025.

Sở sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết số 43 để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sở phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về quy trình, thủ tục làm hồ sơ theo quy định.

"Đặc biệt, Sở đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; tăng cường hơn nữa công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, để việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là điểm tựa, đòn bẩy giúp hộ nghèo an cư, tạo động lực cho hộ nghèo tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững", bà Lựu nhấn mạnh.