Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Điểm sáng 160 mô hình, dự án giảm nghèo triển khai hiệu quả tại Hà Tĩnh

Thu Hương
Thu Hương

Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo, mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, xem đây là yếu tố cốt lõi để thực hiện an sinh xã hội bền vững, nhiều chương trình, dự án đã được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, tạo tác động đa chiều để người nghèo từng bước vươn lên.

Trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các cấp, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng. 

Trong đó, tập trung vào các nội dung: trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ làm nhà, xây dựng công trình sinh hoạt thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn.

GN HT.jpeg
Hà Tĩnh triển khai chương trình hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo (Ảnh: Thu Hương)

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản có tính chiến lược, dài hạn như: Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 

Công tác quản lý hộ nghèo, cận nghèo được cập nhật hoàn thành 100% lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã huy động được 118.168 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 110.202 triệu đồng; ngân sách tỉnh 7.966 triệu đồng. 

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình năm 2023 là 41.783 triệu đồng (đạt tỷ lệ 50%, bao gồm cả nguồn huy động từ người dân), trong đó nguồn năm 2022 chuyển sang là 15.145 triệu đồng, nguồn bố trí năm 2023 là 26.638 triệu đồng.

Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15-20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. 

Các mô hình chủ yếu là hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi… ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn.

Hiệu quả từ những mô hình giảm nghèo

Trong năm 2023, đã có gần 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ. Đối với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy giá trị kinh tế ở địa phương như bò, gà, ong, cây ăn quả...

Với quan điểm xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, xã Sơn Hàm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, giao trách nhiệm cho mỗi tổ chức xã hội đảm nhận việc hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế. 

HT hỗ trợ bò.jpeg
Hà Tĩnh hỗ trợ bò cho người nghèo (Ảnh: Thu Hương)

Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sinh kế bằng những mô hình cụ thể.

Chủ tịch UBND xã Sơn Hàm Hồ Viết Hào cho biết: “Với các giải pháp trên, từ năm 2021 đến nay, nhiều tổ chức hội trên địa bàn xã Sơn Hàm đã tham gia hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế bằng những mô hình sinh kế cụ thể.

Chỉ tính riêng năm 2023 đến nay, toàn xã đã làm mới được 14 ngôi nhà tình thương với tổng số tiền lên đến 980 triệu đồng. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Sơn Hàm là 5,59% với 85 hộ, cận nghèo là 7,19% với 72 hộ.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,89%, cận nghèo là 4,09%. Đây chính là những quả ngọt ở xã được coi là gặp nhiều khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo”.

Các mô hình sinh kế được trao cho hộ khó khăn ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) đều mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Huyện Vũ Quang đã phân bổ hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 41 mô hình sinh kế (có 21 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 20 mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp).

 Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Vũ Quang Tô Minh Hoài cho biết: “Đến nay, toàn huyện còn 391 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,36% (giảm 75 hộ, giảm 0,81% so với đầu năm 2023); hộ cận nghèo còn 432 hộ, chiếm tỷ lệ 4,81% .

Những kết quả đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. Đặc biệt, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Phan Tấn Linh cho biết: “Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. 

Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo ở cơ sở, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các đơn vị liên quan truyền thông về giảm nghèo. Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024. Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 và tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương”.

“Thời gian tới, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thành công đề án thí điểm xây dựng tỉnh Nông thôn mới vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra”, ông Linh nhấn mạnh.

Tin liên quan