Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

“Dứa Hạnh Phúc” và câu chuyện đưa sợi dứa sang trời Tây

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Tôi là Dứa Hạnh Phúc” là lời giới thiệu của chàng trai xứ nghệ Nguyễn Văn Hạnh được đăng trên website của Hợp tác xã (HTX) nông sản Hạnh Phúc để giới thiệu về hành trình “thai nghén đứa con” của mình cũng như con đường xuất ngoại của sợi tơ dứa Việt.

Hành trình khởi nghiệp xanh

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Diễn Châu, Nghệ An trong gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm nên một mình mẹ tần tảo sớm hôm nuôi các con khôn lớn. Bằng sự cố gắng không ngừng và nghị lực của người con đất học xứ Nghệ, Hạnh tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu thủy.

san pham.jpg
Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu về sản phẩm vải sợi dứa.

Ra trường đi làm, Hạnh lên tàu ra khơi trải nghiệm chinh phục mọi cung đường thử thách nơi đầu sóng ngọn gió nhưng rồi mỗi lần nghỉ làm ở nhà thay vì những cuộc gặp gỡ bạn bè, Hạnh thường tìm đến các trang trại để học hỏi về nông nghiệp sạch.

Trong một dịp lên thăm chị họ ở xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu), thấy những người nông dân vẫn trồng dứa kiểu thông thường, nghĩa là vẫn có những hộ dùng thuốc diệt cỏ, thuốc kích mắt, kích thích tăng trưởng, gây độc cho chính mình và có khi còn chẳng dám cho con cháu ăn sản phẩm làm ra. Hàng bán cho thương lái, nhiều lúc phải đổ đi vì không thể tiêu thụ được khiến cho Hạnh không khỏi xót xa.  

Năm 2015, anh mua 2,7ha đồi ở vùng đất này và bắt đầu khởi nghiệp từ cây dứa. Hạnh mua đậu tương nhằm cải tạo đất bằng cách phay cả thân lẫn quả, phun vi sinh để trị nấm xong mới bắt đầu trồng dứa, bón bằng phân chuồng. Dứa trồng kiểu công nghiệp 12 - 14 tháng đã cho thu nhưng dứa trồng kiểu hữu cơ phải 18 tháng; đã thế, người ta thu hoạch 30 - 35 tấn/ha, vụ đầu Hạnh thu chưa được một nửa, nhưng anh vẫn quyết không bỏ cuộc. Hạnh bắt đầu lao vào tìm tòi, học hỏi từ sách vở, mạng internet đến thực tế, hết nghiên cứu về đất, nước, khí hậu, cây trồng lại đến kỹ thuật canh tác. 

 Sau đó, Hạnh chủ động tìm đến các hộ canh tác dứa tại địa phương, thuyết phục họ cùng áp dụng phương thức sản xuất sạch, với nguyên tắc “không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không chín ép, không hóa chất”. Để không dùng phân bón hóa học thông thường, anh mày mò tự làm các loại phân vi sinh bằng cách ủ phân cá, củ chuối, ốc...

Trong đó, phân cá ải sẽ cung cấp vitamin, vi sinh có lợi, còn củ chuối sau khi xử lý sẽ chứa các loại kali dễ tổng hợp, vừa tốt cho cây vừa bảo vệ môi trường. Sau hơn 1 năm triển khai, những nỗ lực đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Dứa trên những cánh đồng áp dụng phương thức canh tác “4 không” có chất lượng vượt trội, vị ngon ngọt thuần tự nhiên.

Tuy nhiên, trong quá trình làm thị trường anh thấy nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, giá trị kinh tế của dứa không cao, không thể làm giàu cho những người trồng dứa. Vì vậy, anh và các thành viên sáng lập HTX lại nghiên cứu để chế biến các sản phẩm từ dứa, như dứa sấy dẻo, trà dứa, mật dứa, mứt dứa...

Đưa tơ sợi dứa vươn ra thế giới

Không dừng lại ở sản phẩm chế biến từ dứa, anh Hạnh cùng cộng sự còn tạo nên sự khác biệt với sản phẩm chế biến từ lá dứa. Anh cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân phải tốn nhiều chi phí để xử lý lá, thậm chí phải xịt thuốc diệt cỏ, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của đất… và với diện tích dứa nhiều như ở Nghệ An, nếu tận dụng được nguồn lá thì vừa có thể giảm ô nhiễm, vừa đem lại sinh kế mới cho người dân.

Nghĩ là làm. Sau một thời gian mày mò trên internet, anh thấy nhiều quốc gia trên thế giới tách sợi từ lá dứa, dệt làm vải may quần áo và nhiều vật dụng khác. Ý tưởng là thế, nhưng với cách làm thủ công đã tốn sức lao động lại không đạt kết quả cao. Sau thời gian thử nghiệm, HTX Hạnh Phúc tiến hành đặt hàng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa.

Sợi tơ từ lá dứa có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau, nhất là trong ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ với sản phẩm quần áo, khăn túi xách cao cấp, đồ trang trí... Để đưa sản phẩm đi xa hơn, “thuyền trưởng” HTX Hạnh Phúc kết hợp với chị Vũ Thị Liễu (Trưởng bộ môn công nghệ môi trường, Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) nghiên cứu và phát triển sản phẩm sợi lá dứa Ecosoi.

Sau đó, anh kết nối với chị Nguyễn Thị Thu Trang (sáng lập Hãng thời trang túi xách Ananda Zurich), Việt kiều Thụy Sĩ cùng hợp tác và phụ trách về việc phát triển kinh doanh, quảng bá sản phẩm sợi lá dứa đến các nước trên thế giới.

Sau đó, anh và các thành viên Công ty Ecosoi đến thăm các làng nghề dệt truyền thống của bà con dân tộc ở Nghệ An và các tỉnh lân cận, rồi đặt hàng dệt tay sản phẩm túi, khăn, võng... Những sản phẩm có độ tinh xảo cao được làm từ bàn tay của những nghệ nhân truyền thống, của HTX nhanh chóng gây tượng với người tiêu dùng trong nước. 

Đặc biệt, trong cuộc triển lãm các sản phẩm về phát triển bền vững trong các lĩnh vực của cuộc sống với tên gọi Gwand Sustainable Festival lần thứ 12 ở Lucern (Thụy Sĩ), sợi lá dứa thô và sản phẩm thời trang túi xách làm từ lá dứa được chị Trang giới thiệu tại triển lãm.

Từ đó, sợi tơ dứa tiếp cận được thị trường châu Âu và được đánh giá cao bởi tính thân thiện môi trường, bền vững, mang giá trị cộng đồng cho người dân bản địa và đã có những đơn đặt hàng đầu tiên để anh Hạnh đưa sợi lá dứa ra thế giới.

Cho đến nay, Ecosoi đã xuất khẩu các đơn hàng đến với thị trường châu Âu và các nước Nhật Bản, Trung Quốc…

Chị Vũ Thị Liễu, thành viên đồng sáng lập Ecosoi chia sẻ, trên mỗi sản phẩm thành phẩm của Ecosoi được tạo ra, phải trải qua nhiều công đoạn, trên mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng nhất định của người thợ.

Có thể nói, mỗi sản phẩm của Ecosoi là sự kết hợp hài hòa đầy ý nghĩa của những người làm ra sản phẩm; mỗi sản phẩm của Ecosoi sẽ bao hàm các giá trị về môi trường, xã hội, nhân văn và truyền thống dân tộc.

HTX nông sản Hạnh Phúc và Ecosoi đang phát triển sản xuất trên diện tích 44ha, đồng thời liên kết, hỗ trợ với hàng trăm hộ dân với diện tích 130ha. Mô hình khởi nghiệp của Nguyễn Văn Hạnh đã tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, phụ nữ yếu thế và bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 85

Tin liên quan