Trao sinh kế, giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xem đây là yếu tố cốt lõi để thực hiện an sinh xã hội bền vững, nhiều chương trình, dự án đã được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, tạo tác động đa chiều để người nghèo từng bước vươn lên.
Các dự án như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình đều được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Những nỗ lực, kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 3,04% (giảm 0,75% so với năm 2022).
Tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn: 259.333 triệu đồng.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh triển khai 61 mô hình giảm nghèo đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (mỗi mô hình có 10-15 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia) với tổng kinh phí hơn 43,7 tỷ đồng; thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 19,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, mỗi năm, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh trích từ Quỹ “Vì người nghèo” triển khai 100 mô hình về con giống sinh sản với tổng số tiền 1 tỷ đồng; các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ hàng trăm mô hình sinh kế nhỏ cho hội viên, đoàn viên.

Mới đây, ngày 16/9, Ủy ban MTTQ huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trao tặng 12 con bê sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với tổng trị giá 120 triệu đồng.
Toàn huyện có 12 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bê sinh kế, mỗi con trị giá 10 triệu đồng. Nguồn kinh phí mua bê được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” huyện. Bê giống được lựa chọn cẩn thận, rõ nguồn gốc, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị dịch bệnh...
Theo cam kết hỗ trợ, trong quá trình nuôi, các gia đình thụ hưởng không được bán, không làm thịt con giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh và phát huy hiệu quả.
Sau 3 năm, các hộ này có trách nhiệm nộp lại cho Quỹ “Vì người nghèo” huyện 2,5 triệu đồng/hộ (tương đương 25% giá trị mô hình) để gây quỹ và tiếp tục hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác.
Nhận được sự hỗ trợ đồng bộ từ đồng vốn, sinh kế đến tập huấn, trang bị kỹ năng, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khơi dậy khát vọng bứt phá, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,6-1,0%
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Tĩnh Phan Tấn Linh chia sẻ, để phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6-1,0%/năm; đến năm 2025, có 100% xã tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo như: hỗ trợ sinh kế và các mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...
Trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, MTTQ các cấp, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng.
Trong đó, tập trung vào các nội dung: trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ làm nhà, xây dựng công trình sinh hoạt thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn.
"Thời gian tới, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, chúng tôi tiếp tục ưu tiên nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững”, ông Linh nhấn mạnh.