Nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, một phần do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên người dân không mặn mà với ruộng vườn.
Nông dân “chê” ruộng
Những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” cho những bông lúa trĩu hạt một thuở, nay bỏ hoang, không người cày cấy, cỏ dại mọc um tùm xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng quê ở Hà Nội.
Người nông dân cũng không mấy thiết tha với đồng áng, ruộng vườn.
Rời quê lên thành phố mưu sinh 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng ở huyện Mỹ Đức mở cửa hàng buôn bán hoa quả tại khu vực Thành Công, còn chồng chị chở hàng và kiêm luôn shipper đơn khách lẻ.
Trừ mọi chi phí, mỗi tháng vợ chồng chị thu được gần 20 triệu đồng. Chị Hồng cho biết, nhà chị được chia 4 sào ruộng, vì là vùng đất trũng nên chỉ để cấy lúa. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập từ cây lúa chẳng được là bao.
Vậy nên vợ chồng chị quyết định bỏ lại ruộng, vườn lên thành phố mưu sinh. Ở thành phố dù điều kiện ăn ở không bằng ở quê nhưng còn có đồng ra, đồng vào, tiền tích lũy để nuôi con cái học hành.
“Nếu ở nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng thì không thể có tiền nuôi con ăn học”, chị Hồng nói.
Không chỉ nông dân các xã ven đô, đồng bằng “chán ruộng”, ở các xã khu vực miền núi như: Yên Bài (huyện Ba Vì); Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); Tiến Xuân, Yên Bình (huyện Thạch Thất)… cũng có hiện tượng bỏ ruộng, không sản xuất.
Bà Man Thị Thanh, ở thôn Bài, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Gia đình tôi có ruộng cấy lúa, ao nuôi cá và vườn chè rộng hàng nghìn mét vuông... Thế nhưng, do chồng tôi đi làm thợ xây, 3 người con đều có việc làm ổn định, tôi thì nấu ăn cho một khu du lịch trên địa bàn, nên chỉ cấy được lúa, còn ao cá và vườn trồng chè bỏ không”.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất đại điền
Trước tình trạng ruộng vườn bị hoang hóa, thời gian qua, nhiều địa phương của Hà Nội đã triển khai các mô hình chuyên canh cây trồng, vật nuôi với quy mô lớn nhằm giảm dần diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, khai thác nguồn lực từ đất.
Vụ xuân năm 2024, lần đầu tiên, Hợp tác xã (HTX) Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái (huyện Thường Tín) triển khai mô hình “mượn ruộng” của dân để sản xuất, với tổng diện tích 30 mẫu.
Với diện tích này, HTX đã đưa máy móc vào sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, phân chia thành 2 mô hình: Vàn cao (chiếm 50% diện tích) cấy 2 vụ lúa, sử dụng máy cấy; vàn trũng cấy một vụ lúa bằng hình thức gieo sạ và 1 vụ cá.
"Thấy cấy máy hiệu quả, nhiều hộ đã đăng ký với HTX nhận ruộng làm theo mô hình liên kết. Sau khi thu hoạch vụ xuân, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng”, ông Nguyễn Quang Y, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái cho biết.
Xuất phát từ thực tế ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do hiệu quả sản xuất không cao, năm 2021, chị Bùi Thị Nguyệt cùng một số chị em xã Đông Sơn mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn.
Lĩnh vực sản xuất của HTX chủ yếu là trồng các loại rau ăn lá, nho hạ đen... theo hướng hữu cơ để cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau, củ quả an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Với trên 3.500m2 diện tích nho hạ đen, mỗi vụ cho năng suất từ 1,7 đến 2 tấn quả và bán với giá 150.000 đồng/kg, giá trị thu về từ 250 đến 300 triệu đồng. Mỗi năm cây nho hạ đen cho 2 vụ quả xuân hè và thu đông.
Ngoài ra, HTX còn trồng luân canh các loại rau như: Cải ngồng, cải xanh, rau mùi, bông hẹ, rau rền trên diện tích 5.000m2. “Nhờ đó thu nhập của các thành viên HTX tăng, phụ nữ trong thôn không phải bỏ ruộng, đồng lên thành phố mưu sinh”, chị Nguyệt chia sẻ.
“Cởi trói” để nông nghiệp cất cánh
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã dồn ghép được hơn 79.754ha đất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được gần 40.228ha, chủ yếu là cây trồng có giá trị cao và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xa khu dân cư.
Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, mang lại doanh thu lớn. Điển hình như vùng rau an toàn tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức cho giá trị sản xuất 400-500 triệu đồng/ha/năm;
Vùng trồng cây ăn quả tại các huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ với giá trị 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai… cho giá trị 1-2 tỷ đồng/ha/năm…
Trên bình diện toàn thành phố, giá trị canh tác nông nghiệp đạt khoảng 280 triệu đồng/ha/năm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đánh giá, Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) nâng tính hấp dẫn và giá trị của đất nông nghiệp; tạo điều kiện đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tạo nền nông nghiệp xanh, đa giá trị;
Kỳ vọng tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp du lịch nông nghiệp bài bản.
Chắc chắn Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Theo Bộ NN&PTNT, các tổ chức kinh tế trong nước (HTX, doanh nghiệp) sử dụng khoảng 669.113ha, chiếm 5,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 5.992ha, chiếm 0,05% diện tích. Riêng các gia đình, với khoảng 18,8 triệu lao động nông nghiệp, chiếm 34,5% tổng số lao động, sử dụng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Song, chủ yếu là sản xuất thuần nông, quy mô nhỏ, phân tán, gây cản trở phát triển nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT cả nước có hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, tình trạng người dân bỏ ruộng đang là bài toán đặt ra. |
Châu Anh