Anh John Chan, người Hong Kong, đã đăng ký thuê căn hộ công khi mới 18 tuổi và đang học trung học, vì anh biết rằng khoảng thời gian chờ đợi sẽ rất dài.
Chan vừa đủ điều kiện và việc đăng ký cũng không tốn khoản phí nào. Hơn nữa, anh đã rất mệt mỏi khi phải sống chung trong một gia đình với 6 người khác. Giờ đây, khi đã 30 tuổi, tốt nghiệp và làm việc cho một doanh nghiệp xã hội, anh vẫn phải chờ để nhận được căn hộ.
Trả lời phỏng vấn, Chan cho biết, nếu có gì gây ảnh hưởng tới thu nhập và khiến anh không đủ khả năng chi trả cho căn hộ, anh có thể phải rời khỏi danh sách chờ.

Chan chỉ là một trong số rất nhiều người Hong Kong cho rằng việc thuê một căn hộ công giá rẻ tốt hơn nhiều so với việc cố gắng thuê hay mua bất cứ thứ gì khác tại Hong kong, một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới.
Bằng việc đăng ký sớm, họ đã có một vị trí trong danh sách chờ đợi những căn hộ xã hội. Họ cũng phải đáp ứng quy định về thu nhập 12.940 đô la Hong Kong (hơn 41 triệu đồng) cho căn hộ một người và 19.730 đô la Hong Kong (gần 63 triệu đồng) cho một căn hộ hai người.
Hiện tượng trên đã làm nổ ra cuộc tranh luận gần đây khi các nhà chức trách khuyên hãy dừng việc đăng ký thuê căn hộ công khi còn quá trẻ. Trong khi đó, những người trẻ và một số khác nêu ý kiến rằng trên thực tế, điều đó ngày càng phản ánh sự thiếu hụt trầm trọng lựa chọn về chỗ ở tại đặc khu này.
Các quan chức nhấn mạnh và chỉ trích hiện tượng trên. Họ cho rằng giới trẻ đang mạo hiểm tương lai và coi thường triển vọng trong công việc của chính mình.
Họ so sánh việc đó với hiện tượng “lying flat” (nằm yên), một cụm từ tiếng Trung được sử dụng để chỉ những người trẻ muốn một cuộc sống bình thường, giản đơn và không cần nỗ lực quá nhiều.
Hồi tháng 3, Rosanna Law Shuk-pui, Giám đốc Sở nhà ở Hong Kong nêu quan điểm: “Giới trẻ không được quá ỷ lại vào những căn hộ công”.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ quản lý nhà ở Winnie Ho Wing-yin cảnh báo rằng, những người trẻ đang hủy hoại những bước tiến trong cuộc sống của họ. Mặc dù bà không cho rằng những người trẻ có tư tưởng “nằm yên” chiếm đa số.
Giá nhà đắt đỏ
Báo SCMP đã phỏng vấn 3 người trẻ Hong Kong để tìm hiểu lý do tại sao họ đăng ký thuê căn hộ xã hội khi còn rất trẻ. Trả lời phỏng vấn, họ nói rằng đó là tất cả những gì họ có thể chi trả.
Vào năm 2023, số tiền thuê nhà trung bình cho một căn hộ công là 2.527 đô la Hong Kong/tháng (8 triệu đồng) và thu nhập trung bình hàng tháng của những người thuê là 26.057 đô la Hong Kong (83,3 triệu đồng) dựa trên dữ liệu được công bố chính thức.
Chan nói anh rất muốn có nhà riêng vào một ngày nào đó, nhưng hiện tại anh chỉ muốn nơi ở giá cả phải chăng, giúp anh tách khỏi gia đình đông thành viên của mình vì đã xảy ra những tranh cãi vì tiền và khoản thế chấp. Điều này dẫn đến những cuộc xung đột nghiêm trọng đến mức cảnh sát phải vào cuộc.
Tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và làm việc cho một doanh nghiệp xã hội, Chan đã phải đối mặt với mức lương và triển vọng thấp hơn so với những người khác.
Kit Lee, nhân viên ngành y tế đã nộp đơn xin thuê căn hộ khi anh 20 tuổi. 6 năm sau, khi biết đơn sẽ được xem xét, anh đã nghỉ việc để duy trì đủ điều kiện thuê nhà. Phải mất thêm 2 năm nữa trước khi anh được phân một căn hộ khoảng 200m2 vào năm 2021 và chuyển vào sống cùng với em gái.
Anh không đồng ý với sự chỉ trích của Chính phủ đối với những người trẻ tuổi như anh. “Họ không nên lên án hay chỉ trích những người đi tìm nhà công, họ nên giải quyết lý do tại sao nhiều người không thể mua được căn hộ của riêng mình”, Lee nói.
Dù vui mừng vì đã có căn hộ công đi thuê, Lee không coi đây là nhà lâu dài của mình. Anh nói mục tiêu là tiết kiệm đủ tiền để mua căn hộ của riêng mình.
Chính quyền tìm giải pháp
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Nhà ở Ho thừa nhận rằng tình trạng thiếu lựa chọn nhà ở công và giá bất động sản quá cao trong quá khứ đã khiến người trẻ tuổi có ít lựa chọn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng nhà ở hỗ trợ và cung cấp căn hộ công cộng ổn định trong tương lai”, bà nói.
Các cơ quan chức năng đã xác định đủ đất để xây dựng khoảng 410.000 căn hộ công trong giai đoạn 2024 - 2025 đến 2033 - 2034, vượt nhu cầu về 308.000 căn hộ trong thập niên tới.
Thống kê của Cục Nhà ở Hong Kong cho thấy tỷ lệ người nộp đơn dưới 30 tuổi chiếm 7% tổng số đơn trong 2 năm qua, giảm từ 9% vào năm 2022 và 10% vào năm 2021 và 2020.
Tuy nhiên, nhà lập pháp Wendy Hong Wen cũng lo ngại về việc những người trẻ cố tình kiếm tiền ít hơn khả năng, để đáp ứng tiêu chí đủ thuê một căn hộ. Bà cho rằng Chính phủ phải tìm cách cung cấp nhà với giá rẻ hơn cho người dân, trong đó có người trẻ, giải quyết hiện tượng “nằm yên”.
Nhu cầu quá lớn của những căn hộ cho thuê đã chứng tỏ tình trạng thiếu lựa chọn nhà ở, bao gồm cả những căn hộ được trợ cấp, trong khi hầu hết giới trẻ không có con đường nào khác để mua căn hộ.
Ninh Trần (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 107