Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân".
Cùng với đó, theo ông Vũ, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Nghệ An đặt mục tiêu trong năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%”.

Theo Kế hoạch, trong năm 2024, Nghệ An sẽ thực hiện 7 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo;
Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo;
Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 603.736 tỷ đồng".
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2023, tỉnh Nghệ An đã xây dựng 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, thông qua các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 702 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Trong giai đoạn này, với 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1-1,5%/năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là trên 3%/năm.
Kết quả, năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 là 2,61%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân hằng năm là 4,72%, đạt kế hoạch đề ra. Ước tính đến năm 2025, toàn tỉnh còn 28.963 hộ nghèo, tỷ lệ 3,13%.
Để có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, là một trong 7 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, tỉnh Nghệ An đã nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, tạo sinh kế bền vững.
Tích cực hỗ trợ người nghèo, người dân ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường Cao đẳng Việt Đức trị giá 10,838 tỉ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường Trung cấp Dân tộc nội trú trị giá 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phát triển năng lực số cho hơn 350 nhà giáo và cán bộ quản lý, tập huấn kiến thức khởi nghiệp và kỹ năng mềm cho 370 học sinh, sinh viên.
Thực hiện hỗ trợ xây mới 870 căn nhà cho 868 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, sửa chữa 100 căn nhà cho 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo, bố trí vốn cho 35 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, văn hoá...
“Năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỉ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.
Nghệ An cũng chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ đó, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng nghèo, vùng khó khăn, làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo…
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình.
Đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn lực xã hội khác tham gia công tác giảm nghèo bền vững”, ông Vũ nhấn mạnh.