Tại thành phố Đà Nẵng, công tác phòng ngừa, ứng phó BLPN&TE luôn được các cấp, ngành quan tâm với nhiều cách làm, hoạt động hiệu quả, tích cực.
Nhiều mô hình ra đời, duy trì và ngày càng hoạt động hiệu quả, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó BLPN&TE.
Huy động sự tham gia của lực lượng nam giới
Điểm nổi bật trong xây dựng mô hình và huy động lực lượng nam giới tại cộng đồng tham gia phòng ngừa, ứng phó với BLPN&TE chính là CLB “Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TE”.
CLB tiên phong được thành lập thí điểm từ năm 2014 tại quận Hải Châu, huyện Hoà Vang từ dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa, ứng phó BLPN&TE” do UN Women hỗ trợ kỹ thuật.
Với 16 CLB ban đầu thành lập tại quận Hải Châu và huyện Hòa Vang, đến nay CLB đã nhân rộng tại cơ quan Công an thành phố và các các quận, huyện còn lại, nâng tổng số lên 21 CLB.
Qua đó tăng cường vai trò nam giới trong phòng ngừa BLPN&TE, đồng thời xây dựng được lực lượng cốt cán, tích cực trong việc tuyên truyền và hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến BLPN&TE tại khu dân cư, vận động nam giới trở thành những người tiên phong trong vận động phòng ngừa bạo lực, chung tay xây dựng thành phố an toàn - không BLPN&TE.
Ngoài ra, Công an thành phố Đà Nẵng đã thành lập CLB “Nam giới tiên phong phòng ngừa, ứng phó BLPN&TE”, từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tích cực vào cuộc của lực lượng công an thành phố trong xây dựng thành phố an toàn, không BLPN&TE.
Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả
Các cấp Hội toàn thành phố Đà Nẵng đang duy trì hoạt động của 389 địa chỉ tin cậy; 99 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 98 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 31 CLB phòng chống bạo lực gia đình, 26 CLB phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...
Bên cạnh đó, hoạt động của địa chỉ tin cậy, tổ, nhóm thường là ngăn chặn bạo lực, tuyên truyền tư vấn pháp luật, tư vấn, xoa dịu tâm lý, hỗ trợ tạm lánh. Các mô hình này huy động các tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực.
Điển hình như, mô hình “Điểm chờ an toàn sau giờ học”, mô hình “Nhà tạm lánh”, mô hình “Tổ phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình, mô hình “Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó với BLPN&TE”…
Các mô hình trên trong quá trình hoạt động đã phát huy hiệu quả, đóng góp nhiều cho công tác tuyên truyền vận động cộng đồng phòng ngừa, ứng phó BLPN&TE, tích cực tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực và tư vấn, giáo dục người có hành vi bạo lực;
Các mô hình được triển khai không chỉ giúp cho trẻ em biết cách bảo vệ bản thân, phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình mà còn vận động nam giới và cộng đồng cùng chung tay phòng ngừa, ứng phó bạo lực với PN&TE.
Với những kết quả đạt được của Hội LHPN thành phố trong công tác huy động cộng đồng xây dựng mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 39-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng và Đề án của Ủy ban nhân dân thành phố về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không BLPN&TE.
Vinh dự hơn, thành phố Đà Nẵng đã được UN Women công nhận là thành phố thứ 2 tại Việt Nam tham gia chính thức sáng kiến toàn cầu “Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn”.