Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Nghẹn ngào xóm trọ nghèo sau lũ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Lâu lắm rồi người dân nơi đây không bị lũ nên khá chủ quan. Năm nay, nước lũ lên cao và nhanh nên chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, không mang theo được bất cứ thứ gì".

“Lâu lắm rồi người dân nơi đây không bị lũ nên khá chủ quan. Năm nay, nước lũ lên cao và nhanh nên chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, không mang theo được bất cứ thứ gì. Sau ngày nước rút, nhà cửa tan hoang, đồ đạc bị vùi trong bùn và đống đổ nát”, bà Lưu Thị Bình Ca (88 tuổi) trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) nghẹn ngào nói.

Nhiều năm qua, xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (sau lưng chợ hoa quả Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân. Người sống ở đây đến từ nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định; công việc chủ yếu là bốc vác tại chợ Long Biên hoặc nhặt phế liệu, bán hàng rong.

Mặc dù phòng trọ ẩm thấp, xập xệ, nằm sát mép nước sông Hồng nhưng do giá thuê thấp lại gần chợ Long Biên nên đây là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của họ.

Nghẹn ngào xóm trọ nghèo sau lũ - 1
Xóm trọ nghèo tan hoang sau lũ.

Tháng 9 vừa qua là những ngày đáng buồn đối với người dân nơi đây. Nước lũ trên sông Hồng dâng cao kỷ lục lên sát báo động 3 (tiệm cận mức 11,5m) khiến xóm trọ chìm trong biển nước, nhiều phòng trọ ngập sâu hơn 2m buộc người dân phải sơ tán đến nơi an toàn.

Khi nước sông Hồng rút, xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên dần hiện ra.  Xóm trọ vốn đã xập xệ, ẩm thấp nay càng tan hoang.

Bà Ca đã gắn bó với xóm trọ nghèo này gần 30 năm. Công việc hàng ngày của bà là bán nước dạo quanh khu vực bến xe buýt và chợ Long Biên. Bần thần nhìn đồ đạc trong nhà bị lũ dữ nhấn chìm, bà Ca chia sẻ: “Khi nước lũ lên, tôi chẳng kịp mang theo thứ gì. Hàng hóa thường nhập đủ bán cả tháng (vì lấy số lượng nhiều mới được rẻ). Giờ thì hỏng hết, thời gian tới lấy đâu ra vốn để kiếm kế sinh nhai.

Đến cái chăn, cái màn hay mấy bộ quần áo cũng bị nước lũ nhấn chìm, lẫn bùn đất. Mấy ngày qua, tôi phải ở nhà dọn dẹp, giặt, rửa những đồ có thể sử dụng được và sống nhờ vào đồ cứu trợ của những người làm từ thiện”.

Mặc dù nước sông Hồng đã rút cả nửa tháng nay nhưng cuộc sống của mấy mẹ con bà Phạm Thị Lĩnh vẫn chưa trở lại bình thường. Bà Lĩnh gắn bó với xóm trọ nghèo chân cầu Long Biên đã hơn 10 năm, chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ sông Hồng dâng cao như thời gian qua.

"Nước lũ lên nhanh quá, mọi người không kịp trở tay. Phòng trọ có gác xép nên tôi đã gói gém đồ đạc từ quần áo, đồ điện tử xếp lên gác xép vì nghĩ nước chỉ vào nhà chứ không ngập quá sâu. Khi nước lên nhanh, mọi người chỉ kịp chạy thoát thân. Nước ngập lên tận mái nhà, đồ đạc dù được gói gém trên gác xép cũng bị ngập nước và hỏng hết”, bà Lĩnh xót xa kể.

Cuộc sống thường ngày đã khó khăn, vất vả nay lại phải thu dọn những đồ đạc có giá trị trong nhà bỏ đi vì ngấm nước, hư hỏng càng khiến bà Lĩnh tiếc nuối. Thứ quý giá nhất là 2 bộ máy tính của các con cũng bị ngập nước, hư hỏng.

Bà Lĩnh cho hay, hồi Covid-19 bùng phát, các con phải chuyển sang học online. Gia đình không có điều kiện nên được UBND phường tài trợ cho 2 bộ máy tính. Mấy đứa quý bộ máy tính như vàng, lúc nào cũng giữ gìn cẩn thận, lau chùi sạch sẽ. Lúc lũ dâng cao, mấy mẹ con lấy túi nilon bọc máy tính cất lên gác nhưng vẫn bị ngập nước, giờ thì tất cả đều bị hỏng...

Mấy ngày Hà Nội có nắng, bà Lĩnh tranh thủ vừa dọn dẹp, vừa đem sách vở của con ra phơi với hy vọng vớt vát được những cuốn lành lặn.

Bà Trần Thị Đa (77 tuổi) kể, bà và con trai thuê trọ ở đây đã nhiều năm. Căn phòng trọ của mẹ con bà rộng chừng 10m2. Con trai bà bị bệnh tâm thần nên sống phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ già. Hàng ngày, bà Đa vào chợ và các tuyến phố nhặt phế liệu bán kiếm sống qua ngày.

Tài sản chẳng có gì ngoài chiếc quạt cũ, mấy chiếc xoong chảo và vài bộ quần áo tềnh toàng. Thế nhưng đợt lũ vừa qua, hai mẹ con cũng chỉ kịp chạy thoát thân, đồ đạc đều bị cơn đại hồng thủy nhấn chìm.

“Thật may, trong mấy hôm lũ, chúng tôi được chính quyền cho tá túc ở chỗ an toàn, lại có cơm ăn ngày ba bữa. Sau lũ, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và nhà hảo tâm, không biết hai mẹ con phải xoay thế nào để sống”, bà Đa chia sẻ.

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 119