Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Quảng Nam triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân lưu vực các hồ thủy điện

(Dân sinh) - Nhiều mô hình sinh kế phát huy hiệu quả cho người dân lưu vực các hồ thủy điện như: Mô hình hỗ trợ lương thực và cây giống cho nhân dân trồng rừng thay thế nương rẫy; mô hình trồng cây dổi lấy hạt; mô hình thả cá giống trên các hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4, Sông Bung 2,…

Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 40 dự án thủy điện với tổng công suất thiết kế 1.775 MW, điện lượng trung bình hằng năm theo thiết kế là 6.183 triệu kWh. Hiện nay, có 28 nhà máy đi vào vận hành phát điện; 7 công trình đang thi công xây dựng; 5 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng.

Nhằm đảm bảo đời sống cho người dân lưu vực các hồ thủy điện, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong quá trình triển khai, Chương trình đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và người dân trong việc phát triển sinh kế người dân tại lưu vực hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, một số chủ sở hữu, đơn vị quản lý các công trình thủy điện đã chủ động chủ trì, phối hợp với địa phương triển khai mô hình sinh kế cho người dân. Trong đó, có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, có thể kể đến như: Mô hình hỗ trợ lương thực và cây giống cho nhân dân trồng rừng thay thế nương rẫy thuộc khu vực thủy điện Nước Biêu (Nam Trà My); mô hình trồng cây dổi lấy hạt trên địa bàn thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân (Phước Sơn) hay mô hình thả cá giống trên các hồ thủy điện A Vương, sông Tranh 2, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4…

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, cùng với phát triển thủy điện, kết hợp đa dạng các loại hình, mô hình phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Tỉnh phấn đấu năm 2023, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 1 mô hình phát triển sinh kế/thủy điện có hồ chứa thủy điện cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh (trường hợp trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 2 mô hình sinh kế).

Năm 2024, mỗi huyện có hồ chứa thủy điện hoàn thành tối thiểu 2 mô hình phát triển sinh kế/thủy điện có hồ chứa thủy điện cho người dân lưu vực hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh (trường hợp trên địa bàn huyện có 2 thủy điện thì có tối thiểu 4 mô hình sinh kế). 

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tất cả huyện có hồ chứa thủy điện đều có các loại mô hình sinh kế bền vững cho người dân.