Mầm sống giữa đại ngàn
Cách trung tâm xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chưa đầy 6 km trên con đường đất nhỏ quanh co dốc đá, chạy dọc con suối Đá Bằng căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Hải nằm sâu trong thung lũng dưới chân núi Hồng, núi Bóng. Xung quang là bốn bề rừng núi, lác đác chỉ có vài làn trại của người đi rừng chăn trâu, bởi lẽ gia đình ông là hộ sinh sống sâu nhất trong khe rừng này.
Giữa đại ngàn hùng vĩ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải cũng như bao người dân khác sống chủ yếu dựa vào rừng. Năm 1989, ông trở về với núi rừng quê hương sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ ở chiến trường biên giới phía Bắc. Giống như bao bạn bè đồng ngũ ông tích cực hăng say lao động với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình. Song, cuộc sống luôn có những biến cố ghập ghềnh không ai biết trước.
Năm 2005 người con trai cả của ông trong một lần đi chăn trâu vô tình bị rơi xuống hang than, tình huống nguy kịch. Với tình thương của người làm cha làm mẹ, vợ chồng ông quyết bằng mọi giá chạy chữa cho người con trai.
Nghĩ về giai đoạn đó, đôi mắt của ông bỗng nhiên trĩu lại, nét mặt cũng trở nên trầm tư hơn, ông chia sẻ ” Khi đó chi phí điều trị có khi mỗi ngày lên đến 500 nghìn đồng, dòng giã trong suốt 16 tháng tại khắp các bệnh viện từ Việt – Đức đến phục hồi chức năng ở bệnh viện tỉnh, có những lúc tưởng chừng không kham nổi”. Rồi những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông bà đã cứu sống được người con trai, nhưng số phận đã lấy đi của anh đôi chân.
Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn, kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt. Số tiền vay mượn của bạn bè người thân thời điểm đó đã lên đến 80 triệu đồng trở thành gánh nặng trên vai ông bà. Suốt 4 năm dòng vợ chồng ông phải xoay xở đủ đường để trang trải nợ nần và chăm lo cho người con đã mất khả năng lao động. Trong khi đó, vườn rừng chưa được thu hoạch vợ chồng ông phải tìm cách tăng gia sản xuất nuôi thêm đàn dê, đàn lợn, đàn gà và trồng chè để có thêm thu nhập lấp vào những khoản nợ. Ông Hải chia sẻ “ Lúc đó bất kể thuê làm mướn cứ ra được đồng tiền là mình làm”.
Mặc cho những khó khăn đang bủa vây, vợ chồng ông bà không ngừng tìm tòi học hỏi những mô hình phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp với chăn nuôi. Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ rừng, ông Hải mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng diện tích từ 8 lên 12 ha trồng keo, cùng với đó là cải tạo khu vườn rộng trước nhà để trồng cây chè vốn là một loại cây thế mạnh của địa phương.
Trong khi đó, để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn, vợ chồng ông đã đầu tư vào việc chăn nuôi dê, gà và lợn theo mô hình chăn thả. Mô hình chăn nuôi này đã cho thấy hiệu quả kinh tế kinh tế cao khi đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông rất ít khi mắc bệnh, đạt chất lượng cao và thường được thương lái vào tận nơi để thu mua. Từ đó mà kinh tế gia đình từng bước được nâng cao.
Qua cơn giông bão
Vượt qua những ngày tháng gian nan, giờ đây cuộc sống của vợ chồng ông Hải cũng đã dễ dàng hơn nhiều. Nụ cười hạnh phúc đã nở trên môi của người làm cha làm mẹ, khi hai người con trai của ông bà đã có cuộc sống riêng. Người con trai cả của ông bà cũng có thể tự lo cho cuộc sống của mình, hiện tại anh đang sinh sống ở Biên Hòa, Đồng Nai và làm nghề sửa chữa máy tính.
Là một người yêu lao động và có ý chí vươn lên, sau nhiều năm lăn lộn bám đất bám rừng, những điều mà vợ chồng cựu binh Nguyễn Văn Hải đạt được hôm nay thật khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Với 12 ha cây keo đã đến tuổi thu hoạch có thể coi là thành quả lớn trong suốt nhiều năm của ông bà, chưa kể đến là một vườn chè rộng cùng với đàn dê hơn 30 con.
Không chỉ chăm lo cho kinh tế gia đình vợ chồng ông bà còn rất tích cực giúp đỡ bà con xung quanh học hỏi kinh nghiệm làm rừng và phát triển kinh tế gia đình. Không những thế, ông bà còn là những thành viên rất tích cực trong công tác hội ở địa phương, bà Hoàng Thị Hợp vợ ông Hải nhiều năm liền được bầu là chi hội trưởng hội phụ nữ của Xóm 1 Lưu Quang và giành nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội.
Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn cách trở chưa có điện lưới sinh hoạt, song ông đã khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện nước từ khe suối gần nhà để đảm bảo cho cuộc sống và việc học tập của người cháu nội.
Ông Hải chia sẻ” Mình còn sức khỏe thì mình còn lao động, còn đi rừng“. Không tự mãn với những gì làm được, trong năm nay ông dự định sẽ phát triển 50 hộp nuôi ong để tận dụng nguồn hoa rừng và cũng là để tăng thêm thu nhập cho gia đình.