Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 656/QĐ-TTg ngày 16/7/2024 thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Quyết định, thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (gọi tắt là Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền (bao gồm tiền mặt và chuyển khoản) của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

Và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Cũng theo Quyết định, Quỹ do Bộ Tài chính quản lý. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ là: Vietnam Fund for Joining hands to remove temporary houses for poor households.

xoa-nha-tam-nha-dot-nat.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

 

Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Quỹ có tư cách pháp nhân; được mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật.

Tổ chức bộ máy của Quỹ

Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng con dấu, kinh phí và bộ máy, cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ được giao do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ để chi trả kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ.

Ban Quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và một số thành viên là công chức của Kho bạc Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm.

QUyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Ban Quản lý chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ kết quả hoạt động của Quỹ.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận

Quyết định nêu rõ, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Nhiệm vụ của Quỹ gồm tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền (bao gồm tiền mặt hoặc chuyển khoản) của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ để hỗ trợ, tài trợ hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ

Nguồn thu của Quỹ bao gồm: Các khoản thu từ sự đóng góp tự nguyện bằng tiền của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài; viện trợ quốc tế;

Lãi thu được từ các khoản tiền gửi của Quỹ; Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Nhiệm vụ chi của Quỹ: Sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Trước đó, tại Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước diễn ra ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng kêu gọi cả nước cùng chung tay, mọi người dân, doanh nghiệp "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

Hiện nay, theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, số hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở là trên 315.000 hộ; các địa phương đang nỗ lực triển khai để đến hết năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo...

Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực lớn của Nhà nước và nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn; các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện, phủ sóng truyền thông, y tế, giáo dục...

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 42, với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025, với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng tin tưởng phong trào thi đua cả nước chung tay "xoá nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao đẹp sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân với tinh thần toàn dân, toàn diện, chung sức đồng lòng vì người nghèo.

Tin liên quan